ATAPULGIT || DƯỢC THƯ QUỐC GIA6 min read

Attapulgite

Tên chung quốc tế: Attapulgite.

Mã ATC: A07BC04.

Loại thuốc: Chất hấp phụ chống ỉa chảy.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 600 mg, 630 mg, 750 mg;

Gói bột 3 g atapulgit hoạt hóa;

Hỗn dịch uống: 600 mg trong 15 ml, 750 mg trong 15 ml.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Atapulgit là hydrat nhôm magnesi silicat thiên nhiên, thành phần chủ yếu của một loại đất sét vô cơ có thành phần và lý tính tương tự như kaolin.

Atapulgit hoạt hóa (chứa trong hầu hết các chế phẩm có trên thị trường) là atapulgit được xử lý kỹ bằng nhiệt để tăng khả năng hấp phụ.

Atapulgit hoạt hóa được dùng làm chất hấp phụ trong ỉa chảy, có tác dụng bao phủ mạnh, bảo vệ niêm mạc ruột bằng cách trải thành một màng đồng đều trên khắp bề mặt niêm mạc. Atapulgit được giả định là hấp phụ nhiều vi khuẩn, độc tố và làm giảm mất nước. Nhưng Tổ chức y tế thế giới cho rằng những phát hiện này không có ý nghĩa rõ về mặt lâm sàng. Mặc dù atapulgit có thể làm thay đổi độ đặc và vẻ ngoài của phân, nhưng không có bằng chứng xác thực là thuốc này ngăn chặn được sự mất nước và điện giải trong ỉa chảy cấp.

Atapulgit không cản quang nên không cần ngừng điều trị khi làm các thủ thuật X-quang ở bụng. Thuốc không làm phân biến màu. Dược động học

Atapulgit không hấp thu vào tuần hoàn. Thuốc được đào thải theo phân.

Chỉ định

Điều trị triệu chứng các bệnh đại tràng không đặc hiệu cấp và mạn tính có ỉa chảy, đặc biệt ỉa chảy kèm trướng bụng.

Hội chứng đại tràng kích thích.

Có thể thụt để điều trị hỗ trợ trong viêm loét đại tràng.

Chống chỉ định

Quá mẫn với atapulgit.

Không được dùng trong điều trị ỉa chảy cấp ở trẻ em (nếu chưa được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ).

Bệnh gây hẹp, tắc đường tiêu hoá.

Thận trọng

Tính chất hấp phụ của atapulgit làm ảnh hưởng đến sự hấp thụ của một số thuốc ở đường ruột, ví dụ: Tetracyclin.

Không dùng quá 2 ngày, hoặc khi ỉa chảy kèm sốt, ỉa chảy phân có máu và chất nhầy, sốt cao. Nếu sau khi sử dụng quá 2 ngày vẫn ỉa chảy, cần hỏi ý kiến bác sĩ điều trị.

Khi dùng cho trẻ bị ỉa chảy kèm theo mất nước, trước tiên cần bồi phụ nước và điện giải bằng đường uống.

Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi trừ trường hợp có sự theo dõi của bác sĩ, vì nguy cơ mất nước do ỉa chảy.

Dùng thận trọng ở người phình đại tràng vì nhu động đại tràng có thể bị thay đổi, gây u phân. Đối với người bệnh đái tháo đường cần quan tâm đến hàm lượng glucose trong 1 gói thuốc (2,7 g/gói).

Thời kỳ mang thai

Atapulgit thường được coi là an toàn.

Thời kỳ cho con bú

Atapulgit thường được coi là an toàn.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Thường gặp, ADR > 1/100

Táo bón.

Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100

Nhôm được hấp thu vào cơ thể, gây thiếu hụt phospho, khi dùng thuốc kéo dài hoặc liều cao.

Liều lượng và cách dùng

Viên atapulgit và hỗn dịch atapulgit uống.

Liều thường dùng cho người lớn và thiếu niên:

Chống ỉa chảy: Uống 1,2 g đến 1,5 g mỗi lần đi phân lỏng; không vượt quá 9 g trong 24 giờ.

Liều thường dùng cho trẻ em:

Trẻ em dưới 6 tuổi: Không nên dùng trừ khi có chỉ dẫn của thầy thuốc.

Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: Uống 600 – 750 mg sau mỗi lần đi phân lỏng, không vượt quá 6 g trong 24 giờ.

Atapulgit gói (3 g).

Người lớn: 2 – 3 gói mỗi ngày (thường vào trước bữa ăn).

Trẻ em trên 10 kg cân nặng: 2 gói mỗi ngày. Nên trộn khô thuốc với đường trước khi cho nước để có vị ngon.

Tương tác thuốc

Atapulgit gây cản trở hấp thu các thuốc khác. Nên uống cách nhau 2 – 3 giờ.

Quá liều và xử trí

Ngừng thuốc ngay và rửa dạ dày (nếu cấp). Chống táo bón.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30 0C, đựng trong bao bì kín.

Thông tin qui chế

Atapulgit có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.

Atapulgit hoạt hóa có trong Danh mục thuốc chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, năm 2011.

Tên thương mại

Attagast; Diarrest; Meyerpulgit; New-Diatabs.