Tên chung quốc tế: Biperiden.
Mã ATC: N04AA02.
Loại thuốc: Thuốc điều trị bệnh Parkinson.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén chứa 2 mg biperiden hydroclorid.
Ống tiêm (1 ml) để tiêm bắp hoặc tĩnh mạch chứa 5 mg biperiden lactat trong dung dịch natri lactat 1,4%.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Giống như các chất kháng muscarin thuộc nhóm trihexyphenidyl, biperiden là một thuốc kháng acetylcholin ngoại vi yếu, do đó có tác dụng giảm tiết dịch, chống co thắt và gây giãn đồng tử. Bên cạnh đó, biperiden còn có tác dụng hủy nicotin với hoạt lực gấp 6 lần atropin và gấp 5 lần hoạt lực của trihexyphenidyl khi dùng cùng một lượng trong các thí nghiệm trên động vật. Hội chứng Parkinson là do mất cân bằng giữa hệ kích thích (tác dụng qua acetylcholin) và hệ ức chế (tác dụng qua dopamin) trong đường liềm đen – thể vân của hệ thần kinh trung ương. Cơ chế tác dụng của thuốc kháng acetylcholin trung ương như biperiden có liên quan tới sự đối kháng cạnh tranh của acetylcholin ở các thụ thể gắn acetylcholin trong thể vân, làm phục hồi sự cân bằng. Biperiden có hiệu quả hơn trong điều trị các thể của hội chứng Parkinson nguyên phát và sau viêm não so với điều trị hội chứng Parkinson do xơ cứng động mạch.
Biperiden dạng tiêm là thuốc có hiệu quả và đáng tin cậy để điều trị những đợt rối loạn ngoại tháp cấp tính đôi khi xảy ra trong khi điều trị với các thuốc an thần kinh (như các phenothiazin). Chứng đứng ngồi không yên, mất vận động, run loạn vận động, rét run, cơn quay mắt, vẹo cổ co thắt và tiết nhiều mồ hôi giảm đáng kể hoặc được loại trừ. Thuốc tiêm biperiden có tác dụng nhanh chóng kiểm soát những rối loạn do thuốc kể trên. Sau đó duy trì bằng biperiden uống cùng với thuốc an thần trong loạn thần và các bệnh khác cần một chế độ điều trị liên tục.
Dược động học
Biperiden được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa nhưng sinh khả dụng chỉ đạt khoảng 30% do lượng lớn bị chuyển hóa qua gan lần đầu. Thuốc được phân bố nhiều tại các mô với thể tích phân bố là 24 lít/kg. Thuốc đạt nồng độ tối đa trong huyết thanh sau khi uống 1 – 1,5 giờ. Nửa đời thải trừ là 18,4 – 24,3 giờ. Sau khi tiêm bắp, bắt đầu tác dụng sau 10 – 30 phút. Sau khi tiêm tĩnh mạch, bắt đầu tác dụng sau vài phút; thời gian tác dụng từ 1 – 8 giờ. Biperiden chuyển hóa thông qua phản ứng hydroxyl hóa. Không có tư liệu về độ thanh thải và bài tiết qua thận của biperiden.
Chỉ định
Điều trị bệnh Parkinson nguyên phát, hội chứng Parkinson (sau viêm não, do xơ cứng động mạch).
Kiểm soát những rối loạn ngoại tháp do thuốc, loạn động khởi phát và loạn trương lực cơ cấp tính do thuốc gây nên.
Dùng trong điều trị hỗ trợ các rối loạn co cứng khác không có liên quan như bệnh xơ cứng rải rác, bại não, các trường hợp gây ra do tổn thương tủy sống. Cần có những nghiên cứu thêm về tác dụng của thuốc cho những chỉ định này.
Chống chỉ định
Quá mẫn với biperiden; glôcôm góc đóng; bí tiểu tiện không được điều trị; tắc đường niệu (như tắc cổ bàng quang do phì đại tuyến tiền liệt); tắc đường tiêu hóa (viêm hẹp môn vị); co thắt tâm vị, tắc liệt ruột, mất trương lực ruột (đặc biệt ở người cao tuổi, người thể trạng suy nhược), đại tràng to (phình giãn đại tràng); viêm ruột kết mạn loét thể nặng; loạn vận động muộn; người bệnh có tình trạng tim mạch không ổn định bị chảy máu cấp.
Thận trọng
Dùng biperiden thận trọng cho người bị phì đại tuyến tiền liệt, cường giáp, nhịp tim nhanh, động kinh, suy gan hoặc thận. Thận trọng khi dùng thuốc cho những người tiếp xúc với nhiệt độ môi trường cao hoặc bị sốt do có nguy cơ tăng thân nhiệt dẫn đến mệt lả vì nhiệt.
Tránh ngừng thuốc đột ngột. Khi cần thay thế bằng thuốc khác phải giảm liều một cách từ từ. Thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc có tác dụng kháng acetylcholin thứ cấp (meperiden, các phenothiazin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, quinidin, thuốc kháng histamin).
Thận trọng khi dùng thuốc cho những bệnh nhân tắc một phần đường niệu, đặc biệt chú ý với những bệnh nhân nhiễm hoặc nghi nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiêu chảy và viêm ruột kết mạn loét thể nhẹ đến vừa.
Đôi khi thuốc có thể gây ngủ gà, hoa mắt, chóng mặt hoặc nhìn mờ, vì vậy phải cảnh báo cho người lái xe và người vận hành máy móc. Như đối với các thuốc khác tác dụng trên hệ thần kinh trung ương, kiêng uống rượu trong khi điều trị với biperiden.
Cần thận trọng khi dùng biperiden cho người cao tuổi và trẻ em vì những đối tượng này dễ mắc các tác dụng phụ của thuốc.
Thời kỳ mang thai
Chưa biết biperiden có gây độc hại cho thai khi dùng cho phụ nữ mang thai hoặc có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không. Do vậy, chỉ dùng biperiden cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Không biết biperiden có phân bố trong sữa mẹ hay không. Do đó cần thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR của biperiden chủ yếu là do tác dụng kháng cholinergic của thuốc. Biperiden còn có tác dụng làm chậm phản xạ, là nguy cơ cho người lái xe hoặc làm công việc đòi hỏi phản xạ nhanh và đáp ứng mau lẹ. Người có góc mắt hẹp, có nguy cơ cao bị glôcôm khi điều trị với biperiden.
Thường gặp, ADR >1/100
Các tác dụng này có liên quan với mức liều dùng.
Mắt: Khó điều tiết, nhìn mờ.
Khác: Khô miệng.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR <1/100
Chung: Mệt mỏi, chóng mặt, kích thích giảm tiết mồ hôi.
Tuần hoàn: Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp.
Tiêu hóa: Táo bón, rối loạn đường tiêu hóa.
Tâm thần: Tình trạng kích thích, lú lẫn, loạn thần, hoang tưởng, lo lắng, ngủ gà.
Hiếm gặp, ADR <1/1 000
Da: Ban da dị ứng.
Thần kinh – cơ xương: Loạn động, mất điều phối, rung giật cơ cục bộ. Tâm thần: Mất trí nhớ, ảo giác, nói khó.
Niệu – sinh dục: Khó/bí tiểu tiện, đặc biệt ở người phì đại tuyến tiền liệt, tiểu ra máu.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Nếu bị rối loạn tiêu hóa sau khi uống biperiden, có thể tránh bằng cách uống thuốc trong hoặc sau bữa ăn.
Hạ huyết áp tư thế và nhịp tim chậm nhẹ, nhất thời, có thể xảy ra sau khi tiêm biperiden, được giảm thiểu hoặc phòng ngừa bằng cách tiêm tĩnh mạch chậm.
Liều lượng và cách dùng
Điều chỉnh liều lượng biperiden tùy theo nhu cầu và sự dung nạp của từng người bệnh.
Bệnh/hội chứng Parkinson.
Liều uống: Bắt đầu điều trị với 2 mg, 3 – 4 lần/ngày. Nếu đáp ứng với liều khởi đầu không đạt yêu cầu điều trị hoặc xảy ra tăng dung nạp khi dùng thuốc kéo dài, cần tăng dần liều tới liều phù hợp với người bệnh, có thể dùng tới liều tối đa 16 mg/ngày. Nếu cần phải thay thế bằng một thuốc chống Parkinson khác, cần giảm liều biperiden một cách từ từ.
Liều tiêm: Trong trường hợp nặng, có thể cần tiêm chậm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp mỗi ngày 10 – 20 mg, chia nhiều lần trong 24 giờ. Hội chứng ngoại tháp do thuốc (loạn trương lực cơ cấp tính, loạn động khởi phát).
Liều người lớn: Liều uống thường dùng là 2 mg, 1 – 3 lần/ngày hoặc tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 2 mg biperiden lactat/liều, nhắc lại cách 30 phút nếu cần cho đến liều tối đa 4 liều/24 giờ. Có thể dùng mức liều cao hơn đến 5 mg/lần.
Liều trẻ em: Tiêm bắp 0,04 mg/kg/liều cách 30 phút nếu cần, cho đến tối đa 4 liều/24 giờ hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 1 – 2 mg. Các rối loạn co cứng không liên quan, như tình trạng rối loạn do tổn thương tủy sống: Dùng biperiden đường uống, liều 2 mg, 2 – 3 lần/ngày.
Tương tác thuốc
Dùng đồng thời biperiden với những thuốc khác có tác dụng kháng acetylcholin (ví dụ, chế phẩm có thuốc phiện, phenothiazin và những thuốc điều trị loạn tâm thần khác, các thuốc chống trầm cảm ba vòng, quinidin, thuốc kháng histamin) có thể làm tăng nguy cơ xảy ra những tác dụng kháng acetylcholin có hại.
Các thuốc ức chế MAO có thể làm tăng tác dụng của biperiden trong khi tác dụng làm giảm nhu động dạ dày của biperiden có thể ảnh hưởng đến hấp thu của các thuốc khác khi dùng đồng thời. Biperiden cũng gây đối kháng tác dụng trên đường tiêu hóa của cisaprid, domperidon và metoclopramid.
Khi dùng đồng thời với kali clorid, biperiden có khả năng lưu giữ kali clorid, từ đó có khả năng gây tổn thương đường tiêu hóa .
Độ ổn định và bảo quản
Bảo quản ở nhiệt độ 15 – 30°C. Đựng trong bao bì kín, tránh ánh sáng.
Tương kỵ
Hỗn hợp biperiden với haloperidol theo tỷ lệ 1:1 sau 4 giờ ở nhiệt độ phòng không quan sát thấy tương kỵ và sự giảm hàm lượng haloperidol.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng: Quá liều biperiden gây những triệu chứng trung ương điển hình của ngộ độc atropin (hội chứng kháng acetylcholin trung ương). Việc chẩn đoán đúng phụ thuộc vào sự nhận biết những dấu hiệu ngoại vi của sự phong bế thần kinh phó giao cảm gồm đồng tử giãn và lờ đờ; da khô, ấm; đỏ bừng mặt; giảm tiết dịch ở miệng, họng, mũi và phế quản; hơi thở có mùi hôi; sốt; nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim và bí tiểu tiện. Có thể có những dấu hiệu thần kinh – tâm thần như hoang tưởng, mất định hướng, lo lắng, ảo giác, ảo tưởng, lú lẫn, tư duy không logic, kích động, tăng hoạt động, mất điều phối, mất trí nhớ, hoang tưởng hệ thống (paranoia), hung bạo và động kinh. Ngộ độc có thể tiến triển tới trạng thái tê mê, sững sờ, liệt, ngừng tim, ngừng thở, và tử vong.
Điều trị: Điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ. Nếu uống, rửa dạ dày hoặc dùng các biện pháp khác như uống than hoạt để hạn chế hấp thu. Nếu có kích thích hệ thần kinh trung ương, cho liều nhỏ diazepam hoặc barbiturat tác dụng ngắn. Chống chỉ định phenothiazin vì có tác dụng kháng muscarin, có thể làm tăng độc tính và gây hôn mê. Có thể cần hỗ trợ hô hấp, làm hô hấp nhân tạo và cho thuốc tăng huyết áp. Cần điều trị sốt cao, hồi phục thể tích dịch, duy trì cân bằng kiềm – toan và đặt ống thông tiết niệu.
Có thể tiêm bắp hoặc truyền chậm tĩnh mạch physostigmin 1 mg (dùng nửa liều này cho người cao tuổi). Nếu không có hiệu quả trong vòng 20 phút, cho thêm liều 1 mg; có thể tiêm nhắc lại liều này cho tới khi đạt tổng liều 4 mg, để điều trị tác dụng độc trên tim mạch và hệ thần kinh trung ương. Có thể tra mắt dung dịch pilocarpin 0,5% để làm hết giãn đồng tử.
Thông tin qui chế
Biperiden có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013 và Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.