Tên chung quốc tế: Ceftazidime.
Mã ATC: J01DD02.
Loại thuốc: Kháng sinh nhóm cephalosporin thế hệ 3.
Dạng thuốc và hàm lượng
Lọ 250 mg, 500 mg, 1 g, 2 g, 6 g bột vô khuẩn để pha tiêm hoặc tiêm truyền. Các thành phần khác có thể là natri carbonat nồng độ 118 mg/g ceftazidim để tăng độ tan, hoặc L-arginin nồng độ 349 mg/g ceftazidim hoạt tính để khắc phục tạo bọt.
Dịch truyền tĩnh mạch (đã được đông băng) có chứa tương ứng với 20 mg và 40 mg ceftazidim khan trong 1 ml dung dịch 4,4% và 3,2% dextrose.
Hàm lượng và liều lượng biểu thị theo dạng ceftazidim khan: 1 g ceftazidim khan tương ứng với 1,16 g ceftazidim pentahydrat.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Ceftazidim là một kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 có tác dụng diệt khuẩn do ức chế các enzym tổng hợp thành tế bào vi khuẩn. Thuốc bền vững với hầu hết các beta-lactamase của vi khuẩn, trừ enzym của Bacteroides. Ceftazidim có tác dụng diệt khuẩn và có hoạt phổ rộng tương tự cefotaxim nhưng tăng nhạy cảm với Pseudomonas spp. và giảm tác dụng với Staphylococci, Streptococci. Khác với cefotaxim, thuốc không có chất chuyển hóa có hoạt tính. Ceftazidim có tính bền vững cao đối với sự thủy phân do đa số beta-lactamase. Ceftazidim có tác dụng in vitro chống lại nhiều vi khuẩn Gram âm. Thuốc nhạy cảm với nhiều vi khuẩn Gram âm đã kháng aminoglycosid và các vi khuẩn Gram dương đã kháng ampicilin cùng các cephalosporin khác.
Phổ kháng khuẩn:
Vi khuẩn Gram âm ưa khí bao gồm Pseudomonas aeruginosa, Burkholderia pseudomallei (Pseudomonas pseudomallei) và Enterobacteriaceae gồm có Citrobacter và Enterobacter spp., Escherichia coli, Klebsiella spp., Proteus indol dương và âm, Providencia rettgeri, Salmonella, Serratia và Shigella spp. và Yersinia enterocolitica. Các vi khuẩn Gram âm khác nhạy cảm bao gồm Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis (Branhamella catarrhalis) và Neisseria spp. (N. meningitidis và đa số các chủng N. gonorrhoeae sản xuất hay không sản xuất penicilinase).
Vi khuẩn Gram dương ưa khí: Ceftazidim thường có tác dụng in vitro đối với các cầu khuẩn Gram dương ưa khí sau: Các chủng sản xuất hay không sản xuất penicilinase của Staph.aureus và S. epidermidis, Streptococcus pneumoniae, S. pyogenes (Streptococci nhóm A tan máu beta), S. agalactiae (Streptococci nhóm B) và S. viridans. Tuy vậy, trên cơ sở trọng lượng, ceftazidim tác dụng hơi yếu hơn so với các cephalosporin thế hệ 3 khác hiện có đối với các vi khuẩn Gram dương này.
Tụ cầu kháng methicilin cũng kháng ceftazidim. Listeria monocytogenes và Enterococci bao gồm E. faecalis (trước đây là S. faecalis) thường cũng kháng thuốc này.
Vi khuẩn kỵ khí: In vitro, ceftazidim có tác dụng đối với một số vi khuẩn Gram dương kỵ khí, gồm có một vài chủng Bifidobacterium, Clostridium, Eubacterium, Lactobacillus, Peptococcus, Pepto-streptococcus và Propionibacterium. Tuy vậy, C. difficili kháng thuốc.
In vitro, ceftazidim ít có tác dụng đối với vi khuẩn kỵ khí Gram âm: Bacteriodes (bao gồm B. fragilis) thường kháng thuốc.
Kháng thuốc:
Cũng như cefotaxim, kháng thuốc có thể xuất hiện trong quá trình điều trị do tăng sản xuất beta-lactamase qua trung gian nhiễm sắc thể (đặc biệt đối với Pseudomonas spp. và Enterobacteriaceae (bao gồm Citrobacter, Enterobacter spp., và Proteus vulgaris). Kháng thuốc cũng có thể xảy ra với Klebsiella spp. và E.coli do sự tạo thành các beta-lactamase phổ rộng qua trung gian plasmid. Ceftazidim bền vững hơn cefotaxim chống lại sự thủy phân của enzym beta-lactamase, nhưng có thể kém bền vững hơn cefoxitin. Dược động học
Ceftazidim không được hấp thu qua đường tiêu hóa; thường dùng dạng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp. Nồng độ đỉnh trung bình trong huyết thanh của ceftazidim ở người lớn khỏe mạnh đạt được như Bảng 1.
Nửa đời của ceftazidim trong huyết tương ở người bệnh có chức năng thận bình thường là khoảng 2 giờ nhưng kéo dài hơn ở người bệnh suy thận hoặc trẻ sơ sinh. Độ thanh thải có thể tăng lên ở người bệnh xơ nang. Thuốc gắn với protein huyết tương từ 5 – 24%, không phụ thuộc vào nồng độ thuốc.
Ceftazidim phân bố rộng khắp vào các mô sâu và dịch cơ thể, kể cả dịch màng bụng; thuốc đạt nồng độ điều trị trong dịch não tủy khi màng não bị viêm. Ceftazidim đi qua nhau thai và được phân bố vào sữa mẹ.
Ceftazidim không bị chuyển hóa. Bài tiết chính qua lọc cầu thận. Khoảng 80 – 90% liều dùng bài tiết không biến đổi qua nước tiểu trong vòng 24 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch 1 liều duy nhất 500 mg hoặc 1 g, khoảng 50% liều xuất hiện trong nước tiểu sau 2 giờ đầu, 2 – 4 giờ sau khi tiêm bài tiết thêm 20% liều và 4 – 8 giờ sau lại thêm 12% liều bài tiết vào nước tiểu. Hệ số thanh thải ceftazidim trung bình của thận là 100 ml/phút. Bài tiết qua mật dưới 1%. Có thể loại bỏ ceftazidim bằng thẩm tách máu hoặc bằng thẩm tách màng bụng.
Chỉ định
Chỉ dùng ceftazidim trong những nhiễm khuẩn rất nặng, đã điều trị bằng kháng sinh thông thường không đỡ để hạn chế hiện tượng kháng thuốc. Nhiễm khuẩn nặng do vi khuẩn nhạy cảm như: Nhiễm khuẩn huyết.
Viêm màng não.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có biến chứng.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, nhiễm khuẩn trong bệnh nhày nhớt.
Nhiễm khuẩn xương và khớp.
Nhiễm khuẩn phụ khoa.
Nhiễm khuẩn trong ổ bụng.
Nhiễm khuẩn da và mô mềm, bao gồm nhiễm khuẩn bỏng và vết thương.
Nhiễm khuẩn ở người bị sốt kèm giảm bạch cầu trung tính. Ceftazidim có thể bắt đầu dùng ngay trong khi chờ đợi kết quả, nhưng phải ngừng ngay nếu vi khuẩn kháng thuốc. Nếu chưa biết vi khuẩn gây bệnh, nên điều trị phối hợp với một kháng sinh khác trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm. Trong trường hợp nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng hoặc người bệnh bị suy giảm miễn dịch, có thể phối hợp ceftazidim với một số kháng sinh khác như nhóm aminoglycosid, vancomycin hoặc clindamycin.
Chống chỉ định
Mẫn cảm với ceftazidim hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc với cephalosporin khác, đặc biệt đối với người có tiền sử sốc phản vệ với các penicilin.
Thận trọng
Trước khi bắt đầu điều trị bằng ceftazidim, phải điều tra kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với cephalosporin, penicilin hoặc thuốc khác. Có phản ứng chéo giữa penicilin với cephalosporin. Sử dụng thận trọng cho người bệnh có phản ứng mẫn cảm với penicilin. Nồng độ ceftazidim tăng cao và kéo dài trong huyết thanh có thể xảy ra ở người bệnh dùng liều thường dùng khi tiểu tiện ít nhất thời hay kéo dài do suy thận. Nồng độ ceftazidim huyết thanh tăng có thể gây các tác dụng phụ nặng về thần kinh như co giật, hôn mê, loạn giữ tư thế, giật cơ… Do đó cần phải điều chỉnh liều theo mức độ suy thận.
Dùng ceftazidim có thể dẫn đến tăng sinh các vi sinh vật không nhạy cảm, đặc biệt là Candida, Staphylococcus aureus, enterococci, Enterobacter hoặc Pseudomonas. Sử dụng kéo dài có thể gây bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn bao gồm C. difficile, kèm ỉa chảy và viêm ruột kết màng giả. Cần theo dõi người bệnh dùng ceftazidim; nếu có bội nhiễm hoặc nhiễm quá mức phải có điều trị thích hợp. Thận trọng khi kê đơn ceftazidim cho những người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, viêm ruột kết, đặc biệt bệnh lỵ.
Một số chủng Enterobacter lúc đầu nhạy cảm với ceftazidim có thể kháng thuốc dần trong quá trình điều trị với ceftazidim và các cephalosporin khác.
Đã có thông báo cephalosporin gây ra giảm thrombin huyết. Người bệnh bị suy thận hoặc suy gan, suy dinh dưỡng hoặc điều trị kéo dài các kháng sinh đặc biệt có nguy cơ bị giảm thrombin huyết do cephalosporin. Do đó, cần giám sát thời gian prothrombin và cho vitamin K khi có nguy cơ bị giảm thrombin huyết.
Cần thận trọng khi dùng ceftazidim cho người cao tuổi, vì thuốc đào thải chủ yếu qua thận và người cao tuổi thường có chức năng thận giảm. Cần phải chọn lọc cẩn thận liều đầu tiên và nên giám sát chức năng thận.
Thời kỳ mang thai
Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm không nhận thấy có tác dụng độc cho thai. Tuy nhiên, do chưa có những nghiên cứu thỏa đáng và được kiểm tra chặt chẽ trên người mang thai nên chỉ dùng thuốc cho người mang thai khi thật cần thiết.
Thời kỳ cho con bú
Thuốc bài tiết một lượng nhỏ qua sữa mẹ nên cần phải thận trọng khi dùng cho người đang cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Nói chung ceftazidim là thuốc được dung nạp tốt, ít nhất có khoảng 5% người bệnh điều trị có tác dụng không mong muốn. Thường gặp nhất là phản ứng tại chỗ sau khi tiêm tĩnh mạch, dị ứng và phản ứng đường tiêu hóa.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tại chỗ: Kích ứng tại chỗ, viêm tắc tĩnh mạch.
Da: Ngứa, ban dát sần, ngoại ban.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Toàn thân: Đau đầu, chóng mặt, sốt, phù Quincke, phản ứng phản vệ. Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính, tăng lympho bào, phản ứng Coombs dương tính.
Thần kinh: Loạn cảm, loạn vị giác; ở người bệnh suy thận điều trị không đúng liều có thể co giật, bệnh não, run, kích thích thần kinh – cơ.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đau bụng, ỉa chảy.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Máu: Mất bạch cầu hạt, thiếu máu tan huyết.
Tiêu hóa: Viêm đại tràng màng giả.
Da: Ban đỏ đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson. Hoại tử da nhiễm độc.
Gan: Tăng transaminase, tăng phosphatase kiềm.
Tiết niệu sinh dục: Giảm tốc độ lọc tiểu cầu thận, tăng urê và creatinin huyết tương.
Có nguy cơ bội nhiễm Enterococci và Candida.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Ceftazidim để pha tiêm là dạng bột khô, trong công thức bào chế có chứa ceftazidim (dưới dạng pentahydrat) với natri carbonat để tạo thành natri ceftazidim dễ hòa tan hoặc có chứa ceftazidim pentahydrat và arginin để khắc phục hiện tượng sủi bọt. Ceftazidim dùng tiêm bắp sâu, tiêm tĩnh mạch chậm trong 3 – 5 phút hoặc tiêm truyền tĩnh mạch trong 30 phút. Không được trộn lẫn với aminoglycosid trong cùng lọ/ống. Nồng độ cuối cùng dùng đường tĩnh mạch không nên vượt quá 100 mg/ml. Phải đẩy hết bọt khí carbon dioxyd trước khi tiêm.
Pha dung dịch tiêm và tiêm truyền:
Dung dịch tiêm bắp: Pha thuốc trong nước cất tiêm, hoặc dung dịch tiêm lidocain hydroclorid 0,5% hay 1%, có nồng độ khoảng 280 mg/ml.
Dung dịch tiêm tĩnh mạch: Pha thuốc trong nước cất tiêm, dung dịch natri clorid 0,9%, hoặc dextrose 5%, có nồng độ khoảng 100 mg/ml.
Dung dịch tiêm truyền: Pha thuốc trong các dung dịch như trong tiêm tĩnh mạch nhưng nồng độ khoảng 10 – 20 mg/ml (1 – 2 g thuốc trong 100 ml dung dịch).
Liều lượng:
Người lớn:
Liều thường dùng đối với hầu hết các bệnh do nhiễm khuẩn là 1 g, tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, cách nhau 8 – 12 giờ một lần. Tuy nhiên, đường tiêm và liều dùng được xác định bởi vi khuẩn gây bệnh, mức độ trầm trọng của bệnh, tình trạng và chức năng thận của người bệnh. Liều cao nhất được khuyến cáo là 6 g/ngày. Đối với các nhiễm khuẩn nặng (viêm màng não do vi khuẩn Gram âm và các bệnh bị suy giảm miễn dịch): 2 g cách 8 giờ một lần hoặc 3 g cách 12 giờ một lần, dùng liên tục trong 3 tuần. Sốt kèm giảm bạch cầu đa nhân trung tính: 100 mg/kg/ngày chia làm 3 lần, tiêm tĩnh mạch hoặc 2 g tiêm tĩnh mạch cách nhau 8 giờ/lần. Dùng đơn độc hoặc phối hợp với một aminoglycosid (amikacin, gentamicin, tobramycin).
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu hoặc các nhiễm khuẩn nhẹ hơn: 250 – 500 mg, cách 8 – 12 giờ một lần (có thể dùng tới 1g cách 8 – 12 giờ một lần).
Dự phòng phẫu thuật, phẫu thuật tuyến tiền liệt: 1 g lúc gây mê và được nhắc lại nếu cần khi rút bỏ ống thông (catheter).
Người bệnh trên 70 tuổi:
Liều 24 giờ cần giảm xuống còn 1/2 liều của người bình thường, tối đa 3 g/ngày và mỗi lần dùng thuốc cách nhau ít nhất 12 giờ.
Trẻ em:
Trẻ em 12 tuổi hoặc lớn hơn có thể dùng liều tương tự như liều người lớn.
Trẻ sơ sinh từ 1 đến 4 tuần tuổi: Tiêm tĩnh mạch 30 mg/kg, cách 12 giờ một lần (ở trẻ sơ sinh, nửa đời của ceftazidim có thể gấp 3 – 4 lần so với người lớn).
Trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 12 tuổi: Liều thường dùng tiêm tĩnh mạch là 25 – 50 mg/kg cách 8 giờ một lần, phụ thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn. Liều tối đa là 6 g/ngày và liều cao hơn ví dụ như 50 mg/kg cách 8 giờ một lần nên dùng cho trẻ bị u nang xơ hóa kèm phổi nhiễm Pseudomonas, viêm màng não do vi khuẩn Gram âm và các bệnh bị suy giảm miễn dịch.
Trong trường hợp viêm màng não ở trẻ từ sơ sinh đến 7 ngày tuổi: Liều khuyến cáo là 100 – 150 mg/kg/ngày chia làm 2 – 3 lần đều nhau. Trẻ sơ sinh trên 7 ngày tuổi và trẻ em: 150 mg/kg/ngày chia làm 3 lần. Do tỷ lệ tái phát cao, liệu pháp điều trị nhiễm khuẩn cho người bệnh viêm màng não do vi khuẩn Gram âm cần điều trị ít nhất 3 tuần.
Sốt kèm giảm bạch cầu đa nhân trung tính: Trẻ em từ 2 tuổi trở lên: 50 mg/kg (tối đa 2 g), cách nhau 8 giờ/lần.
Tiêm tĩnh mạch được khuyến cáo đối với trẻ em.
Người bệnh suy giảm chức năng thận (có liên quan đến tuổi): Dựa vào độ thanh thải creatinin, khi độ thanh thải creatinin dưới 50 ml/phút, nên giảm liều do sự thải trừ thuốc chậm hơn.
Với người bệnh suy thận, có thể cho liều đầu tiên thường là 1 g sau đó thay đổi liều (liều duy trì) tùy thuộc vào độ thanh thải creatinin được khuyến cáo như Bảng 2.
Không cần thiết giảm liều trong suy giảm chức năng gan, trừ khi chức năng thận cũng bị suy giảm.
Liều gợi ý ở trên có thể tăng 50%, nếu lâm sàng yêu cầu như ở bệnh nhày nhớt.
Người bệnh đang thẩm tách máu, có thể cho thêm 1 g vào cuối mỗi lần thẩm tách.
Người bệnh đang lọc máu động tĩnh mạch liên tục, dùng liều 1 g/ngày, dùng 1 lần hoặc chia nhiều lần.
Người bệnh đang thẩm tách màng bụng, dùng liều bắt đầu 1 g, sau đó liều 500 mg cách nhau 24 giờ.
Chú ý: Liệu pháp điều trị bằng ceftazitim phụ thuộc vào loại và mức độ nhiễm khuẩn nên được xác định bằng đáp ứng của người bệnh trên lâm sàng và xét nghiệm vi sinh. Nên dùng ceftazidim ít nhất 2 ngày sau khi hết các triệu chứng nhiễm khuẩn nhưng cần kéo dài hơn khi nhiễm khuẩn có biến chứng. Các nhiễm khuẩn nhẹ không nên dùng kéo dài.
Tương tác thuốc
Khi dùng đồng thời với aminoglycosid hoặc thuốc lợi tiểu mạnh như furosemid, có thể làm tăng nguy cơ gây độc cho thận. Cần giám sát chức năng thận, đặc biệt khi dùng liều cao aminoglycosid hoặc điều trị kéo dài.
Hoạt lực của ceftazidim có thể được tăng lên khi dùng đồng thời với các tác nhân gây acid uric niệu.
Nghiên cứu in vitro đã cho thấy dùng kết hợp ceftazidim với ciprofloxacin làm tăng tác dụng hiệp đồng chổng lại Burkholderia cepacia.
Kết hợp ceftazidim và metronidazol in vitro có thể hiệp đồng tác dụng một phần chống Clostridium nhưng tác dụng trên Bacteroides fragilis còn tranh cãi.
Kết hợp ceftazidim và acid clavulanic in vitro có thể hiệp đồng tác dụng chống lại một vài chủng Bacteroides fragilis đã kháng ceftazidim khi dùng đơn lẻ.
Cloramphenicol đối kháng in vitro với các kháng sinh beta-lactam, trong số đó có ceftazidim, nên tránh phối hợp khi cần tác dụng diệt khuẩn.
Ceftazidim có thể làm giảm hoạt lực vắc xin thương hàn.
Mặc dù kết quả lâm sàng chưa rõ ràng nhưng sử dụng đồng thời ceftazidim và ampicilin in vitro dẫn đến đối kháng tác dụng trên streptococci nhóm B và Listeria monocytogenes.
Độ ổn định và bảo quản
Dung dịch ceftazidim, nồng độ lớn hơn 100 mg/ml pha trong nước cất tiêm, dung dịch tiêm lidocain hydroclorid 0,5% hoặc 1%, dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, dung dịch tiêm dextrose 5%, duy trì được hoạt lực trong 18 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày khi ở 2 – 8 oC. Dung dịch ceftazidim nồng độ 100 mg/ml hoặc thấp hơn pha trong nước cất tiêm, dung dịch tiêm natri clorid 0,9%, dung dịch tiêm dextrose 5%, duy trì được hoạt lực trong 24 giờ ở nhiệt độ phòng hoặc 7 ngày khi để tủ lạnh (2 – 8 oC).
Ceftazidim kém bền vững trong dung dịch natri bicarbonat.
Bảo quản lọ bột thuốc trong bao bì kín ở nhiệt độ dưới 25 oC và tránh ánh sáng.
Bảo quản dịch truyền đã đông băng ở nhiệt độ thấp hơn – 20 oC.
Tương kỵ
Với dung dịch natri bicarbonat: Làm giảm tác dụng thuốc. Không pha ceftazidim vào dung dịch có pH trên 7,5 (không được pha thuốc vào dung dịch natri bicarbonat).
Phối hợp với vancomycin phải tiêm riêng vì gây kết tủa.
Không pha lẫn ceftazidim với các aminoglycosid (gentamicin, streptomycin) hoặc metronidazol. Phải tráng rửa cẩn thận các ống thông và bơm tiêm bằng nước muối (dung dịch natri clorid 0,9%) giữa các lần dùng hai loại thuốc này để tránh gây kết tủa.
Quá liều và xử trí
Đã gặp ở một số người bệnh suy thận. Phản ứng bao gồm co giật, bệnh lý não, run rẩy, dễ bị kích thích thần kinh cơ. Cần phải theo dõi cẩn thận trường hợp người bệnh bị quá liều cấp và có điều trị hỗ trợ. Khi suy thận, có thể cho thẩm tách máu hoặc màng bụng để loại trừ thuốc nhanh.
Thông tin qui chế
Ceftazidim có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
Akedim; Alfacef; Alfacef-Ar; Alpataxime; Amzedil-1000; Antizidin; Azidime; Beejetazim; Besitabine; Betazidim; Bicefzidim; Bidilocef; Bioszime Inj; Bitazid; Brzidime Inj; Cadraten Inj; Camtax; Cefatasun; Cefaziporin; Cefdim; Cefodimex; Ceftaject; Ceftamedil inj; Ceftazimark; Ceftazisam; Ceftazivit; Ceftidin; Ceftram; Ceftum; Cefzid; Cefziota Inj.; Cefzis-Max; Cejoho Inj.; Cekadym; Ceotizime; Ceplo; Cezimeinj; Clestazim; Codzidime; Cyladim; Dalitazi; Deltazime; Dimacefa; Ditazidim; Encetam-1000; Erovan; Etexcfz; Eurig; Eurozidim Injection Combipack; Evozid; Fazitef; Flawject Inj.; Fonzidime; Fortam Inj; Fortum; Geosefta; Gomtazime; Goodzadim; Harzime; Hudizim Inj.; Huonstide; Hwazim Inj; Imezidim; Inbionetcefozim; Indcefta; Inno-Zidime; Interzincie; Kbdime; Keftazim; Kidofadine; Klocedim; Koceim Inj.; Koftazide; Korudim Inj.; K-Zidime; Lefidim; Libradim; Lydozim; Medozidim; Nefitaz; Neounixan Inj.; Newfazidim Inj.; Newzim; Niceftam; Novicefta 1000; Padiozin; Panzecep; Parzidim; Pentazidin 1000; Perikacin; Pheridin; Philzidim; Prascal; Prizidime; Ravelo; Rigozidim; Samzin; Santazid; Sefonramid; Seozital; Seracop; Seuraf; Siamazid; Sitacef; Supercap; Tadime; Tafodim; Tarvicide; Tatumcef Powder for Injection “CCPC”; Taviha; Tazicef; Tazimin; Tofdim Inj.; Tottizim; Trikazim; Trizidim; TV-Zidim; Ucphin; Ultazidim; Uniceffa; Unitidime Inj; Vasfar; Vasox; Vaxcel Ceftazidime; Virtum; Vitazidim; Wontazidim Inj; Wontazime; Yutazim Inj; Yuzidim Inj.; Zefeta Inj; Zentozidime CPC1; Zidimcef; Zytaz-1000.