Tên chung quốc tế: Chlorothiazide.
Mã ATC: C03AA04.
Loại thuốc: Thuốc lợi tiểu thuộc nhóm thiazid.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nén: 250 mg; 500 mg;
Thuốc bột pha tiêm: Lọ 500 g;
Hỗn dịch uống: 250 mg/5 ml (chứa 0,5% ethanol và acid benzoic).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Clorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid làm tăng sự bài tiết natri clorid và nước, do cơ chế ức chế sự tái hấp thu các ion Na+ và Cl – ở đầu ống lượn xa. Các chất điện giải khác, đặc biệt là kali và magnesi cũng tăng bài tiết, còn calci lại giảm bài tiết. Clorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid cũng làm giảm hoạt tính enzym carbonic anhydrase, nên bicarbonat tăng bài tiết, nhưng tác dụng này thường yếu so với tác dụng bài tiết Cl – , do đó không làm thay đổi đáng kể pH nước tiểu. Tác dụng lợi tiểu của các thiazid ở mức trung bình, vì gần 90% lượng các chất đã lọc qua thận được tái hấp thu, trước khi đến ống lượn xa là nơi tác dụng của những thuốc này (tối đa chỉ có 5% lượng ion natri lọc qua thận được bài tiết). Clorothiazid và các thiazid khác có tác dụng hạ huyết áp, trước hết có lẽ là do giảm thể tích huyết tương và dịch ngoại bào liên quan đến bài niệu natri, quá trình này rất ngắn. Sau đó, trong quá trình dùng thuốc, tác dụng hạ huyết áp tùy thuộc vào sự giảm sức cản ngoại vi, thông qua sự thích nghi dần của các mạch máu trước tình trạng giảm nồng độ Na+. Vì vậy, tác dụng hạ huyết áp của các thiazid thể hiện chậm sau một, hai tuần, còn tác dụng lợi tiểu xuất hiện nhanh, có thể thấy ngay sau vài giờ.
Ngược lại, thuốc có tác dụng chống lợi niệu ở người đái tháo nhạt vì vậy có thể được dùng để điều trị đái tháo nhạt. Ngoài ra, thuốc còn có thể được dùng để phòng sỏi thận ở người bị tăng calci niệu. Dược động học
Sau khi uống, clorothiazid hấp thu tương đối nhanh nhưng hấp thu không hoàn toàn và khác nhau qua đường dạ dày – ruột.
Gắn với protein huyết tương: Từ 20% đến 80%; nửa đời trong huyết tương: 45 – 120 phút; thải trừ ở dạng không chuyển hóa, hầu hết qua thận trong vòng 24 giờ đầu, chỉ có một lượng nhỏ vào mật; nửa đời thải trừ: 1 – 2 giờ, tuy tác dụng lâm sàng kéo dài tới khoảng 6 – 12 giờ; tác dụng xuất hiện sau 2 giờ; nồng độ đỉnh sau 4 giờ. Sinh khả dụng khi uống: 10 – 21%, thức ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc.
Chú ý: Các thiazid lợi tiểu kém hiệu lực ở người suy thận, hơn nữa còn có thể làm giảm chức năng thận.
Khi tiêm, tác dụng lợi tiểu bắt đầu sau 15 phút, mạnh nhất sau 30 phút và kéo dài 2 giờ.
Không có hiện tượng quen thuốc khi dùng thuốc lâu dài.
Tác dụng hạ huyết áp của clorothiazid có thể có sau 3 – 4 ngày điều trị, tuy có thể đến 3 – 4 tuần mới có tác dụng tối ưu. Tác dụng kéo dài một tuần, sau khi ngừng dùng thuốc.
Điều quan trọng cần biết là tác dụng chống tăng huyết áp của clorothiazid thường đạt được tốt nhất ở liều 125 mg. Các hướng dẫn điều trị đều nhấn mạnh cần dùng liều thấp nhất và tối ưu, giảm được ADR. Vấn đề quan trọng là phải chờ đủ thời gian để đánh giá sự đáp ứng của cơ thể đối với tác dụng hạ huyết áp của clorothiazid, vì tác dụng trên sức cản ngoại vi cần phải có thời gian mới thể hiện rõ.
Chỉ định
Phù do suy tim, phù do các căn nguyên khác (gan, thận), do corticosteroid, estrogen. Để điều trị phù phổi cấp, furosemid là thuốc lợi tiểu mạnh được lựa chọn ưu tiên, chứ không phải các thiazid.
Tăng huyết áp: Dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc hạ huyết áp khác, như thuốc ức chế enzym chuyển dạng angiotensin (ACE – I) hoặc thuốc chẹn beta.
Đái tháo nhạt (trung ương hoặc do thận).
Chống chỉ định
Suy gan, suy thận nặng (vô niệu).
Bệnh gút.
Mẫn cảm với các thiazid và với các dẫn chất sulfonamid; chứng giảm kali huyết; giảm natri huyết; tăng calci huyết; tăng acid uric huyết có triệu chứng; bệnh Addison.
Thận trọng
Tất cả những người bệnh dùng clorothiazid phải được theo dõi định kỳ chất điện giải trong huyết thanh và nước tiểu (Na, Cl, K, Ca, Mg), nhất là người dùng corticosteroid, ACTH, digitalis, quinidin. Người suy thận, vì có thể làm suy thận nặng thêm.
Người suy gan: Dễ bị hôn mê gan.
Người bị gút: Bệnh nặng lên.
Người đái tháo đường: Chú ý điều chỉnh liều (insulin, thuốc hạ glucose huyết) vì clorothiazid có thể gây tăng đường huyết.
Tác dụng hạ huyết áp của clorothiazid tăng trên người bệnh sau cắt bỏ thần kinh giao cảm.
Tăng cholesterol và triglycerid trong máu khi dùng clorothiazid. Vì vậy, cần thận trọng với những người có cholesterol máu trung bình và cao; người có triglycerid máu cao.
Chú ý khi dùng thuốc ở người cao tuổi.
Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE): Bệnh nặng lên.
Thời kỳ mang thai
Đã có nhiều báo cáo chứng minh rằng: Các thuốc lợi tiểu thiazid và các thuốc giống thiazid cũng như các thuốc lợi tiểu quai đều qua nhau thai vào thai nhi, gây ra rối loạn điện giải, giảm tiểu cầu và chứng vàng da ở trẻ sơ sinh. Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, cần tránh các thuốc này.
Thời kỳ cho con bú
Clorothiazid vào được sữa mẹ với một lượng nhỏ. Cho 11 bà mẹ uống một liều đơn 500 mg, rồi lấy mẫu từ sữa và máu sau 1, 2 và 3 giờ. Tất cả các mẫu đều có nồng độ dưới 1 microgam/ml và tính toán cho thấy rằng trẻ em sẽ nhận không quá 1 mg thuốc mỗi ngày. Do đó hội Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ cho rằng không có tác dụng phụ được ghi nhận ở trẻ nên clorothiazid có thể dùng cho phụ nữ đang nuôi con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Clorothiazid có thể gây mất nhiều kali. Tác dụng này phụ thuộc vào liều lượng, nên ADR có thể giảm bớt khi giảm liều. Sử dụng liều thấp 125 mg/ngày, thường là liều thích hợp cho điều trị chống tăng huyết áp, giảm được nguy cơ mất quá mức kali, cũng giảm nguy cơ tăng acid uric máu và giảm nguy cơ tác dụng có hại trong chuyển hóa glucid. Khi điều trị cách nhật, đáp ứng quá mức dẫn đến mất cân bằng điện giải không mong muốn cũng ít xảy ra hơn. ADR hay gặp ở người bệnh suy chức năng gan, suy tim nặng và người cao tuổi.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu.
Chuyển hóa: Giảm kali máu, tăng acid uric máu, tăng glucose máu, tăng lipid máu.
Tuần hoàn: Giảm thể tích ngoại bào.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Tuần hoàn: Hạ huyết áp tư thế, loạn nhịp tim.
Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, táo bón, ỉa chảy, co thắt ruột. Da: Mày đay, nhiễm cảm ánh sáng, ban.
Chuyển hóa: Giảm magnesi, giảm natri, giảm kali, giảm clor, kiềm hóa máu, giảm phosphat máu.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Toàn thân: Phản ứng mẫn cảm, giảm tình dục, sốt.
Máu: Giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan máu.
Thần kinh: Dị cảm, rối loạn giấc ngủ, trầm cảm.
Da: Viêm mạch, ban xuất huyết.
Tiêu hóa: Viêm gan, vàng da, ứ mật, viêm tụy.
Hô hấp: Khó thở, viêm phổi, phù phổi.
Sinh dục tiết niệu: Suy thận, viêm thận kẽ.
Mắt: Mờ mắt.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Hạ kali máu: Có thể tránh và điều trị bằng cách dùng thuốc lợi tiểu giảm bài xuất kali hoặc bằng bổ sung kali. Không cần thiết phải bổ sung kali tức thì khi nồng độ kali huyết thanh lớn hơn 3,0 micromol/lít. Cần thiết bổ sung kali ở người bệnh có nguy cơ lớn mất nhiều kali như suy tim nặng, đang dùng digitoxin hoặc đang dùng liều cao thuốc lợi tiểu và ở người suy gan nặng.
Chỉ bổ sung kali riêng thôi không đủ để điều trị hạ kali máu ở người bị thiếu cả magnesi máu.
Giảm clo máu thường nhẹ, ít khi phải xử trí, trừ khi bị suy gan nặng, suy thận nặng. Cần thiết phải bổ sung clorid khi điều trị chứng nhiễm kiềm chuyển hóa.
Giảm natri máu do máu bị pha loãng: Điều trị tốt nhất là hạn chế đưa nước vào cơ thể. Nếu thực sự giảm natri máu, thì bổ sung natri là cách điều trị thích hợp.
Liều lượng và cách dùng
Clorothiazid và các thuốc lợi tiểu thiazid nói chung nên sử dụng với liều thấp nhất có tác dụng, đặc biệt ở người cao tuổi. Nhìn chung, liều điều trị tăng huyết áp thường thấp hơn liều chữa phù. Thuốc không có tác dụng đối với người có Clcr< 30 ml/phút. Cần điều chỉnh liều cho từng người bệnh.
Liều dùng hàng ngày nên ưu tiên sử dụng vào buổi sáng. Điều quan trọng là cung cấp đầy đủ kali trong chế độ ăn hoặc bổ sung hàng ngày.
Phù, đái tháo nhạt:
Liều thường dùng là 250 – 1 000 mg/24 giờ, uống 1 lần hoặc chia 2 lần trong ngày. Có thể cho uống cách nhật hoặc uống trong 3 – 5 ngày hàng tuần liều trên. Thông thường, liều không vượt quá 2 g/24 giờ. Nếu phải dùng liều cao, thì nên thay thế bằng một thuốc lợi tiểu mạnh.
Tăng huyết áp: Liều thường dùng ban đầu là 125 mg (có thể 250 mg) mỗi ngày, uống 1 lần hoặc chia 2 lần. Sau đó, có thể tăng liều lên một cách từ từ cho đến khi đạt được đáp ứng điều trị mong muốn, ADR trở nên không dung nạp hoặc đến một liều tối đa uống cho người lớn là 500 mg mỗi ngày. Tuy nhiên, nên dùng liều duy trì thấp nhất. Rất ít người phải dùng đến 500 mg mỗi ngày. Trong trường hợp này, nên dùng phối hợp với một thuốc hạ huyết áp khác. Thuốc tiêm tĩnh mạch chỉ dùng trong trường hợp cấp cứu hoặc khi người bệnh không thể uống được. Có thể tiêm tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền tĩnh mạch, không bao giờ được tiêm dưới da hoặc tiêm bắp và phải tránh không để dung dịch tiêm thoát ra ngoài mạch máu vì thuốc gây kích ứng mô rất mạnh. Liều thường dùng cho người lớn là 0,5 – 1 g/lần, 1 – 2 lần/ngày. Thêm 18 ml nước cất pha tiêm vào lọ thuốc bột, lắc nhẹ cho tan để tạo dung dịch đẳng trương chứa 28 mg clorothiazid natri/1 ml (không được dùng ít hơn 18 ml dung môi).
Liều dùng cho trẻ em:
Để điều trị phù và tăng huyết áp, đối với trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi: Dùng 10 – 20 mg/kg/24 giờ, uống 1 lần hoặc chia 2 lần; không vượt quá 375 mg trong 24 giờ ở trẻ nhỏ tới 2 tuổi, hoặc quá 1 g/24 giờ ở trẻ trên 2 – 12 tuổi. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, liều có thể lên tới 30 mg/kg thể trọng/24 giờ, chia làm 2 lần.
Đái tháo nhạt: Dùng 10 – 20 mg/kg, ngày 2 lần.
Không nên dùng thuốc tiêm cho trẻ em, nên dùng dạng hỗn dịch và lắc kỹ trước khi dùng.
Tương tác thuốc
Các thuốc sau đây, khi phối hợp, có thể tương tác với thuốc lợi tiểu thiazid:
Rượu, barbiturat hoặc thuốc ngủ gây nghiện: Tăng khả năng gây hạ huyết áp thế đứng.
Thuốc chống đái tháo đường: Cần điều chỉnh liều do tăng glucose huyết.
Các thuốc hạ huyết áp khác: Tác dụng cộng hoặc tăng khả năng gây hạ huyết áp.
Nhựa cholestyramin hoặc colestipol: Có thể gắn thuốc lợi tiểu thiazid, nên làm giảm hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa. Corticosteroid, ACTH amphotericin B: Làm tăng mất điện giải, đặc biệt là giảm kali máu.
Digitalis: Làm tăng độc tính của digitalis do làm giảm nhiều kali máu.
Diazoxid: Có thể làm tăng glucose máu.
Amin tăng huyết áp (thí dụ norepinephrin): Đáp ứng với amin tăng huyết áp có thể giảm.
Thuốc giãn cơ (thí dụ tubocurarin): Có thể tăng đáp ứng với thuốc giãn cơ.
Lithi: Không nên dùng cùng thuốc lợi tiểu, vì giảm thanh thải lithi ở thận và tăng độc tính của lithi.
Thuốc chống viêm không steroid: Có thể làm giảm tác dụng lợi tiểu, natri niệu và tác dụng hạ huyết áp của thiazid ở một số người. Vì vậy, nếu dùng đồng thời, phải theo dõi để xem có đạt hiệu quả mong muốn về lợi tiểu không.
Quinidin: Dễ gây xoắn đỉnh, làm rung thất, gây chết, vì thiazid lợi tiểu gây hạ kali máu, do đó làm tăng nguy cơ xoắn đỉnh do quinidin.
Thức ăn: Tránh dùng cam thảo do giữ nước, natri và làm tăng mất kali.
Độ ổn định và bảo quản
Thuốc sau khi đã pha chế và giữ ở nhiệt độ phòng chỉ được dùng trong vòng 24 giờ. Thuốc bị biến màu, tức bị hỏng, không được dùng.
Lọ thuốc bột đông khô bảo quản ở nhiệt độ 2 – 25 oC. Thuốc viên và hỗn dịch uống cần được bảo quản trong lọ kín, ở nhiệt độ phòng (15 – 30 oC) và tránh ẩm. Hỗn dịch uống cần tránh để đông lạnh.
Tương kỵ
Dung dịch thuốc tiêm tương hợp với dextrose hoặc natri clorid để tiêm tĩnh mạch.
Không được phối hợp thuốc với máu toàn phần hoặc sản phẩm dẫn xuất của máu.
Dạng muối natri của clorothiazid được báo cáo là không tương hợp với các chế phẩm tiêm của các thuốc sau: clorpromazin hydroclorid, codein phosphat, hydralazin hydroclorid, insulin, norepinephrin bitartrat, levorphanol tartrat, methadon hydroclorid, morphin sulfat, polymycin B sulfat, procain hydroclorid, proclorperazin mesylat, promazin hydroclorid, promethazin hydroclorid, streptomycin sulfat, tetracyclin hydroclorid và vancomycin hydroclorid.
Quá liều và xử trí
Triệu chứng:
Biểu hiện chủ yếu là rối loạn nước và điện giải do bài niệu nhiều.
Xử trí:
Rửa dạ dày với than hoạt (nếu mới uống).
Bù nước và điện giải, lập lại cân bằng acid – base.
Trong trường hợp hạ huyết áp, có thể dùng norepinephrin 4 mg/lít, tiêm truyền tĩnh mạch chậm hoặc dopamin 5 microgam/kg/phút.