CLORPROPAMID || DƯỢC THƯ QUỐC GIA15 min read

CLORPROPAMID

Tên chung quốc tế: Chlorpropamide.

Mã ATC: A10BB02.

Loại thuốc: Thuốc chống đái tháo đường nhóm sulfonylurê.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 100 mg, 250 mg, 500 mg.

Dược lý và cơ chế tác dụng

Là thuốc hạ đường máu thuộc nhóm sulfonylurê thế hệ thứ nhất. Clorpropamid gây giảm đường huyết chủ yếu do kích thích tế bào beta tuyến tụy tiết insulin nội sinh. Giống như các sulfonylurê khác, clorpropamid chỉ có tác dụng khi tế bào beta còn một phần hoạt động. Dùng dài ngày, các sulfonylurê còn có một số tác dụng khác ngoài tụy góp phần làm giảm đường huyết, như tăng sử dụng glucose ở ngoại vi, ức chế tân tạo glucose ở gan và có thể cả tăng tính nhạy cảm hoặc số lượng thụ thể insulin ở ngoại vi. Clorpropamid cũng còn có tác dụng làm tăng khả năng hoạt động hoặc tận dụng lượng vasopressin còn lại lưu hành trong tuần hoàn với tế bào ống thận. Do đó, làm giảm lượng nước tiểu ở những người mắc bệnh đái tháo nhạt thể trung ương.

Hấp thu: Clorpropamid được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Tác dụng hạ đường huyết của clorpropamid xuất hiện trong vòng 1 giờ, đạt cao nhất sau 3 – 6 giờ và còn tồn tại trong vòng 24 giờ sau. Trong số các thuốc sulfonylurê chống đái tháo đường hiện có, clorpropamid có thời gian tác dụng dài nhất. Sau khi uống dài ngày, thuốc không tích lũy trong huyết tương, tốc độ hấp thu và đào thải ổn định trong khoảng 5 – 7 ngày.

Phân bố: Clorpropamid liên kết mạnh với protein huyết tương  (83 – 95%).

Thải trừ:  Thuốc chuyển hóa ở gan (khoảng 80%), cả chất chuyển hóa và dạng chưa chuyển hóa thải trừ ra ngoài theo nước tiểu. Trong vòng 96 giờ, 80 – 90% liều uống thải trừ ra nước tiểu. Tốc độ thải trừ qua nước tiểu của clorpropamid phụ thuộc vào pH nước tiểu, sự thay đổi của pH nước tiểu có thể ảnh hưởng đến tác dụng hạ đường huyết của thuốc. Tốc độ thải trừ clorpropamid tăng lên trong trường hợp nước tiểu bị nhiễm kiềm và giảm khi nước tiểu bị acid hóa. Clorpropamid có nửa đời thải trừ khoảng 36 giờ. Clorpropamid qua được nhau thai và sữa mẹ.

Chỉ định

Clorpropamid dùng điều trị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ 2) mà không kiểm soát được đường huyết đầy đủ bằng chế độ ăn.

Chống chỉ định

Đái tháo đường phụ thuộc insulin (typ 1).

Đái tháo đường nhiễm toan – ceton, tiền hôn mê đái tháo đường. Phẫu thuật lớn, nhiễm khuẩn nặng hoặc chấn thương nặng.

Suy thận, suy gan hoặc suy tuyến giáp nặng.

Có tiền sử dị ứng với sulfamid.

Thời kỳ mang thai hoặc cho con bú.

Thận trọng

Khi dùng các sulfonylurê có thể xảy ra hạ glucose huyết. Để tránh những đợt hạ glucose huyết, cần thận trọng đối với người bị bệnh thận hoặc gan, vì cả hai bệnh này làm tăng nguy cơ hạ glucose huyết. Người cao tuổi, ốm yếu, thiếu dinh dưỡng, thiểu năng tuyến thượng thận hoặc tuyến yên thường rất nhạy cảm với sự giảm glucose huyết của các thuốc chống đái tháo đường và có thể khó nhận ra tình trạng hạ glucose huyết (đặc biệt ở người cao tuổi và ở người đang dùng các thuốc chẹn beta adrenergic).

Do nửa đời thải trừ của clorpropamid dài, nên với bệnh nhân hạ glucose huyết trong khi điều trị, phải theo dõi sát liều và cho ăn nhiều bữa ít nhất trong 3 – 5 ngày. Có thể nhập viện và tiêm tĩnh mạch glucose.

Khi người bệnh đã ổn định theo một chế độ điều trị nào đó mà bị sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc phẫu thuật, cần phải ngừng clorpropamid và thay bằng insulin. Vì trong những trường hợp này, các sulfonylurê thường không đủ hiệu lực để kiểm soát đái tháo đường. Phải theo dõi định kỳ glucose huyết và glucose niệu.

Sử dụng thận trọng với bệnh nhân lái tàu xe và vận hành máy móc (do thuốc có nguy cơ hạ đường huyết)

Sử dụng thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin gan vì thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này.

Thời kỳ mang thai

Không được dùng clorpropamid cho người mang thai. Clorpropamid gây dị dạng và chậm phát triển thai nhi (insulin được lựa chọn trong điều trị đái tháo đường khi mang thai).

Thời kỳ cho con bú

Clorpropamid bài tiết vào sữa. Không khuyến cáo dùng thuốc này với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Hầu hết các tác dụng không mong muốn của clorpropamid là phụ thuộc liều, sẽ mất dần hoặc về bình thường sau khi giảm liều hoặc ngừng thuốc.

Các tác dụng phụ của clorpropamid bao gồm rối loạn tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn, nôn, đau thượng vị, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, tăng thèm ăn và các triệu chứng thần kinh như đau đầu, suy nhược, chóng mặt, dị cảm.

Quá mẫn cảm hoặc các phản ứng đặc ứng như vàng da, phát ban, rối loạn máu, thường xảy ra trong vòng 6 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị, thường là nhẹ và hồi phục sau khi ngừng thuốc. Clorpropamid gây ra vàng da ứ mật. Rối loạn chuyển hóa porphyrin gan và phản ứng giống như disulfiram (xem tương tác thuốc – rượu).

Giống như các sulfonylurê, clorpropamid đôi khi có thể gây giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu và thiếu máu nhẹ. Những tác dụng bất lợi trên huyết học thường là lành tính và giảm dần sau khi ngừng thuốc. Ngoài ra, thuốc cũng có thể gây mất bạch cầu hạt, tán huyết, thiếu máu bất sản và tăng bạch cầu ái toan.

Hạ đường huyết quá mức có thể do quá liều hoặc trong quá trình điều trị kết hợp với thuốc hạ đường huyết khác. Nếu hạ đường huyết xảy ra, ngay lập tức đánh giá và điều chỉnh liều insulin hoặc clorpropamid.

Tăng cân, cơ chế có thể do sự gia tăng bài tiết insulin (tăng thèm ăn), kích thích thủy phân lipid trong mô mỡ, hoặc tăng nồng độ leptin trong máu.

Phù nề kèm giảm natri huyết, có thể do tăng hoạt tính của hormon chống lợi niệu.

Liều lượng và cách dùng

Cách dùng:

Thường uống clorpropamid mỗi ngày một lần vào bữa ăn sáng. Nếu kém dung nạp có thể chia làm 2 lần trước bữa ăn sáng và tối. Trong khi dùng thuốc, vẫn phải duy trì chế độ ăn kiêng của người bệnh đái tháo đường.

Liều dùng:

Liều người lớn: Thay đổi theo từng người tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Khởi đầu thường dùng 250 mg/ngày, sau đó cứ 3 – 5 ngày lại tăng hoặc giảm thêm 50 – 125 mg cho tới khi kiểm soát đái tháo đường có kết quả. Liều duy trì thường là 250 mg/ngày. Một số người bệnh đái tháo đường nhẹ đáp ứng tốt với liều 100 mg hoặc thấp hơn. Người bệnh nặng phải dùng liều 500 mg/ngày. Bệnh nhân không đáp ứng với liều 500 mg/ngày thường cũng không đáp ứng với liều cao hơn; không khuyến cáo dùng liều duy trì vượt quá 750 mg/ngày.

Với người cao tuổi dễ nhạy cảm với tác dụng hạ đường huyết của clorpropamid do vậy liều khởi đầu nên từ 100 – 125 mg, ngày 1 lần, sau đó cứ 3 – 5 ngày tăng thêm hoặc giảm 50 – 125 mg cho tới khi đạt kết quả.

Người suy thận: Với bệnh nhân có Clcr < 50 ml/phút nên tránh sử dụng. Với bệnh nhân thẩm phân (lọc máu ngoài thận) thay thế bằng lọc máu hấp phụ. Với bệnh nhân lọc màng bụng không cần dùng liều bổ sung.

Người suy gan: Giảm liều là cần thiết do thuốc chuyển hóa mạnh ở gan.

Tương tác thuốc

Các thuốc sau đây có thể tương tác với clorpropamid:

Rượu: Phản ứng giống disulfiram (co cứng cơ bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, đỏ bừng, hạ đường huyết) có thể xảy ra với mọi sulfonylurê nhưng hay gặp nhất với clorpropamid. Cơ chế có thể do việc dùng đồng thời clorpropamid và rượu làm tăng nồng độ acetaldehyd trong huyết tương.

Glucocorticoid, amphetamin, barbiturat, salbutamol, terbutalin, hydantoin, baclofen, bumetanid, thuốc chẹn calci, acetazolamid, clorthalidon, thuốc uống tránh thai, ACTH, dextrothyroxin, adrenalin, acid ethacrynic, furosemid, thuốc lợi tiểu thiazid, hormon tuyến giáp khi phối hợp với clorpropamid có thể làm tăng nồng độ glucose trong máu, có thể cần phải điều chỉnh liều lượng của một hoặc cả hai thuốc.

Alopurinol: Tăng nguy cơ hạ đường huyết do ức chế tiết clorpropamid ở ống thận.

Steroid tăng dưỡng, androgen: Tăng nguy cơ hạ đường huyết, có thể phải điều chỉnh liều thuốc đái tháo đường.

Thuốc chống đông máu, dẫn xuất coumarin và indandion: Khởi đầu có thể làm tăng nồng độ của cả thuốc chống đông máu và sulfonylurê trong huyết tương; nếu tiếp tục điều trị có thể xảy ra giảm nồng độ thuốc chống đông máu trong huyết tương và tăng chuyển hóa của sulfonylurê ở gan.

Các thuốc chống viêm không steroid, cloramphenicol, clofibrat, các chất ức chế monoaminoxydase, probenecid, salicylat, sulfonamid làm tăng nguy cơ hạ đường huyết do cạnh tranh đẩy sulfonylurê ra khỏi liên kết với protein huyết tương.

Các thuốc chẹn beta có thể làm che lấp một số triệu chứng của hạ đường huyết (đánh trống ngực, nhịp tim nhanh), cần tăng cường theo dõi người bệnh.

Ketoconazol, miconazol: Làm giảm chuyển hóa của sulfonylurê, dẫn đến hạ đường huyết nặng.

Rifampicin: Làm tăng chuyển hóa của sulfonylurê.

Độ ổn định và bảo quản

Bảo quản dưới 40 oC, tốt nhất là 15 – 30 oC, trong bao gói kín.

Quá liều và xử trí

Triệu chứng:

Hạ glucose huyết (bồn chồn, liên tục ớn lạnh, đổ mồ hôi, lú lẫn, giảm thân nhiệt, da tái nhợt, khó khăn trong tập trung suy nghĩ, buồn ngủ, đói cồn cào, liên tục đau đầu, đau bụng, liên tục buồn nôn, tình trạng kích động, nhịp tim nhanh, cơn động kinh, run, đi không vững, mệt mỏi hoặc yếu ớt, thị giác thay đổi, liên tục nôn, hôn mê). Có thể kéo dài vài ngày vì thuốc thải trừ chậm.

Xử trí:

Trường hợp nhẹ: Điều trị hạ đường huyết bằng cách ăn ngay một ít đường viên glucose, nước hoa quả, hay dùng nhất là uống một cốc nước pha thêm 2 – 3 thìa cà phê đường.

Điều chỉnh liều thuốc chống đái tháo đường. Nếu cần phải điều chỉnh lại khẩu phần ăn.

Trường hợp nặng: Nếu có triệu chứng hạ đường huyết nặng, phải cấp cứu ngay.

Nếu nghi ngờ hoặc chẩn đoán hôn mê do hạ glucose máu, người bệnh cần được tiêm truyền nhanh dung dịch ưu trương glucose 50%, sau đó tiếp tục truyền dung dịch glucose 10% với tốc độ có thể duy trì glucose huyết ở mức độ trên 5,6 mmol/lít (1 000 mg/lít). Cần theo dõi người bệnh trong vòng 24 đến 48 giờ, vì tình trạng hạ glucose máu có thể tái phát mặc dù người bệnh có vẻ bình phục về lâm sàng. Thời kỳ này có thể kéo dài từ 3 đến 5 ngày hoặc lâu hơn.

Thông tin qui chế

Clorpropamid có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.