ERYTHROPOIETIN | DƯỢC THƯ QUỐC GIA34 min read

ERYTHROPOIETIN

Tên chung quốc tế: Erythropoietin.

Mã ATC: B03XA01.

Loại thuốc: Thuốc kích thích tạo hồng cầu.  

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc tiêm (không có chất bảo quản): Lọ 2 000 đvqt/1 ml;  3 000 đvqt/1 ml; 4 000 đvqt/1 ml; 10 000 đvqt/1 ml; 40 000 đvqt/1 ml [chứa albumin người].

Thuốc tiêm có chất bảo quản: Lọ 20 000 đvqt/2 ml: 20 000 đvqt/1 ml [chứa albumin người và rượu benzyl].

Dược lý và cơ chế tác dụng

Erythropoietin là một hormon thiết yếu để tạo hồng cầu trong tủy xương. Phần lớn hormon này do thận sản xuất để đáp ứng với thiếu oxy mô, một phần nhỏ (10% đến 14%) do gan tổng hợp (gan là cơ quan chính sản xuất ra erythropoietin ở bào thai). Erythropoietin tác dụng như một yếu tố tăng trưởng, kích thích hoạt tính gián phân các tế bào gốc dòng hồng cầu và các tế bào tiền thân hồng cầu (tiền nguyên hồng cầu). Hormon này cũng còn có tác dụng gây biệt hóa, kích thích biến đổi đơn vị tạo cụm (CFU) thành tiền nguyên hồng cầu. Erythropoietin phóng thích hồng cầu lưới từ tủy xương đi vào dòng máu, ở đó hồng cầu lưới trưởng thành tạo thành hồng cầu, dẫn đến số lượng hồng cầu tăng lên, do đó nâng mức hematocrit và hemoglobin. Giảm oxy mô hoặc thiếu máu làm tăng tiết erythropoietin và ở điều kiện này lượng erythropoietin có thể đạt đến 1 000 lần nồng độ erythropoietin trong huyết thanh bình thường; đáp ứng này có thể bị suy giảm trong một vài tình trạng bệnh tật như suy thận mạn tính.

Erythropoietin sử dụng trong lâm sàng được sản xuất bằng kỹ thuật tái tổ hợp DNA và những dạng erythropoietin người tái tổ hợp này có tên là epoetin. Epoetin alpha, epoetin beta, epoetin gamma, epoetin omega, và epoetin zeta là những erythropoietin người tái tổ hợp có nguồn gốc từ một gen erythropoietin người dòng đơn (cloned). Tất cả các epoetin đều chứa 165 acid amin. Epoetin và erythropoietin tự nhiên hoàn toàn giống nhau về trình tự acid amin và có chuỗi oligosacharid rất giống nhau trong cấu trúc hydrat carbon. Phân tử của chúng có nhiều nhóm glycosyl nhưng khác nhau về vị trí các nhóm glycosyl. Epoetin delta là một erythropoietin người tái tổ hợp. Epoetin này có cùng trình tự acid amin và vị trí nhóm glycosyl như erythropoietin người. Epoetin có tác dụng sinh học như erythropoietin nội sinh và hoạt tính là 129 000 đơn vị cho 1 mg hormon.

Sau khi tiêm khoảng 1 tuần, epoetin làm tăng đáng kể tế bào gốc tạo máu ở ngoại vi. Trong vòng 3 đến 4 tuần, hematocrit tăng, phụ thuộc vào liều dùng. Các tế bào gốc (CFU – GM và CFU – mix) bình thường không phải là những tế bào sản xuất hồng cầu. Như vậy, khi được dùng với liều điều trị, epoetin có thể tác dụng lên cả hai dòng tế bào (dòng hồng cầu và dòng tủy).

Ở người bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoặc do mất máu kín đáo, epoetin có thể không gây được đáp ứng hoặc duy trì tác dụng.

Dược động học:

Do bản chất là một protein, nên epoetin bị phân hủy ở đường tiêu hóa và phải dùng theo đường tiêm (truyền tĩnh mạch, tiêm dưới da, nhỏ giọt trong màng bụng). Dược động học của các epoetin có vài khác biệt, có thể do sự khác nhau về glycosyl hóa và do công thức bào chế của các thành phẩm. Dược động học của epoetin tiêm dưới da khác với khi tiêm tĩnh mạch và đường dưới da có ưu điểm hơn vì cho phép kéo dài tác dụng.

Epoetin phân bố nhanh vào huyết tương, gan, thận và tủy xương. Một ít thuốc chuyển hóa và bị phân hủy. Epoetin bài tiết phần lớn qua phân và một lượng nhỏ thuốc tìm thấy trong nước tiểu. Epoetin alpha hấp thu chậm và không hoàn toàn sau khi tiêm dưới da, và có sinh khả dụng tuyệt đối vào khoảng 10 – 20%. Nồng độ đỉnh của epoetin alpha sau khi tiêm tĩnh mạch đạt được trong vòng 15 phút, và trong vòng 5 – 24 giờ sau khi tiêm dưới da. Nửa đời thải trừ của epoetin alpha sau liều tiêm tĩnh mạch là 4 – 13 giờ ở người bệnh suy thận mạn tính; nói chung nửa đời thải trừ giảm ở người bệnh có chức năng thận bình thường. Nửa đời thải trừ của epoetin alpha sau liều tiêm dưới da ước tính vào khoảng 24 giờ.

Epoetin beta cũng có hấp thu tương tự, chậm và không hoàn toàn, sau khi tiêm dưới da, và có sinh khả dụng tuyệt đối từ 23 – 42%. Nồng độ đỉnh trong huyết thanh của epoetin beta sau liều tiêm dưới da đạt được trong vòng 12 – 28 giờ. Nửa đời thải trừ của epoetin beta sau liều tiêm tĩnh mạch là 4 – 12 giờ và nửa đời cuối sau liều tiêm dưới da là 13 – 28 giờ.

Epoetin delta có sinh khả dụng trong khoảng 26 – 36% sau khi tiêm dưới da, đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau 8 – 36 giờ, và có nửa đời thải trừ ở người bệnh khoảng 27 – 33 giờ. Sau khi tiêm tĩnh mạch, thuốc có nửa đời thải trừ vào khoảng 4 – 13 giờ ở người bệnh bị suy thận mạn tính, giá trị này là khoảng gấp đôi so với ở người khỏe mạnh.

Epoetin zeta có sinh khả dụng khoảng 20% sau khi tiêm dưới da, và đạt nồng độ đỉnh trong huyết thanh sau khoảng 12 – 18 giờ. Nửa đời thải trừ sau khi tiêm dưới da ước tính khoảng 24 giờ. Nửa đời thải trừ sau khi tiêm tĩnh mạch ở người khỏe mạnh khoảng 4 giờ, và ở người bệnh bị suy thận mạn tính khoảng 5 giờ; nửa đời thải trừ ở trẻ em khoảng 6 giờ.

Chỉ định

Điều trị thiếu máu (để nâng hoặc duy trì mức hồng cầu và giảm nhu cầu truyền máu) do suy thận mạn tính (kể cả ở người bệnh phải hay không phải chạy thận nhân tạo), ở người bệnh đang thẩm tách màng bụng (để giảm hoặc loại bỏ nhu cầu truyền máu).

Điều trị thiếu máu do hóa trị liệu ở người bị bệnh ác tính không ở tủy xương, thiếu máu do liên quan đến zidovudin ở người bệnh nhiễm HIV dương tính.

Điều trị thiếu máu đẳng sắc – hồng cầu bình thường bao gồm thiếu máu do các rối loạn  viêm như viêm khớp dạng thấp.

Điều trị thiếu máu ở mức độ vừa phải (nhưng không thiếu sắt) ở người bệnh trước phẫu thuật chọn lọc (không phải tim hoặc mạch máu) nhằm tăng sản lượng máu thu thập để truyền máu tự thân, giảm nhu cầu truyền máu đồng loại.

Điều trị thiếu máu ở trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Chống chỉ định

Tăng huyết áp không kiểm soát được.

Quá mẫn với albumin hoặc sản phẩm từ tế bào động vật có vú. Giảm bạch cầu trung tính ở trẻ sơ sinh.

Thận trọng

Người bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim; người bệnh bị tăng huyết áp; Người bệnh tăng trương lực cơ mà không kiểm soát được, chuột rút, có tiền sử động kinh;

Người bệnh suy gan mạn tính; người bệnh có khối u ác tính; Người bệnh tăng tiểu cầu; người có bệnh về máu kể cả thiếu máu hồng cầu liềm, các hội chứng loạn sản tủy, tình trạng máu dễ đông. Cần kiểm soát tốt chứng cao huyết áp trước khi bắt đầu điều trị và theo dõi huyết áp trong thời gian điều trị.

Dùng erythropoietin cho các vận động viên bị coi là dùng chất kích thích. Thiếu giám sát của thầy thuốc và không theo dõi tình trạng mất nước trong khi thi đấu đòi hỏi dai sức thì dễ xảy ra các hậu quả nghiêm trọng về sự thay đổi độ quánh của máu, có thể gây tử vong. Tác dụng của erythropoietin bị chậm hoặc giảm do nhiều nguyên nhân  như: thiếu sắt, nhiễm khuẩn, viêm hay ung thư, bệnh về máu (thalassemia, thiếu máu dai dẳng, rối loạn sinh tủy), thiếu acid folic hoặc thiếu vitamin B12, tan máu, nhiễm độc nhôm. Cần phải kiểm tra những người bệnh có tiến triển giảm hiệu quả đột ngột. Nếu chẩn đoán bị loạn sản hồng cầu nguyên phát thì phải ngừng điều trị và tính đến việc thử kháng thể epoetin; không được cho người bệnh chuyển sang dùng loại epoetin khác.

Có thể tăng liều heparin ở người bệnh đang thẩm tách nhằm làm tăng thể tích hồng cầu đặc.

Cần theo dõi thường kỳ số lượng tiểu cầu, nồng độ hemoglobin và nồng độ kali huyết thanh.

Phải kiểm soát liều lượng cẩn thận tránh tăng quá nhanh hematocrit và hemoglobin, không để vượt quá các giá trị khuyến cáo vì sẽ tăng nguy cơ tăng huyết áp và các trường hợp huyết khối.

Thời kỳ mang thai

Không có bằng chứng rõ ràng cho thấy epoetin qua nhau thai. Vì thiếu máu và cần thiết truyền máu nhiều lần cũng gây nguy cơ đáng kể cho mẹ và thai nhi, nên chỉ dùng epoetin trong thời kỳ mang thai khi lợi ích dùng epoetin trội hơn nguy cơ được biết.

Thời kỳ cho con bú

Vì không biết epoietin có bài tiết vào sữa hay không nên phải dùng thuốc thận trọng trong thời kỳ cho con bú.

Tác dụng không mong muốn (ADR)

Các epoetin đều có dung nạp khá tốt, có tác dụng không mong muốn tương đối nhẹ và thường phụ thuộc vào liều. Tiêm tĩnh mạch hay gây ra tác dụng phụ nhiều hơn tiêm dưới da.

Rất thường gặp ADR > 10/100

Tuần hoàn: Tăng huyết áp (5 – 24%), các sự kiện huyết khối/mạch máu (phẫu thuật ghép đường vòng: 23%), phù nề (6 – 17%), huyết khối tĩnh mạch sâu (3 – 11%).

Thần kinh trung ương: Sốt (29 – 51%), chóng mặt (< 7 – 21%), mất ngủ (13 – 21%), đau đầu (10 – 19%).

Ngoài da: Ngứa (14 – 22%), đau ngoài da (4 – 18%), ban da  (≤ 16%), trứng cá.

Tiêu hóa: Buồn nôn (11 – 58%), táo bón (42 – 53%), nôn (8 – 29%), tiêu chảy (9 – 21%), khó tiêu (7 – 11%).

Sinh dục – tiết niệu: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (3 – 12%). Tại chỗ: Kích ứng và đau tại chỗ tiêm (< 10 – 29%).

Thần kinh – cơ,  xương: Đau khớp (11%), dị cảm (11%).

Hô hấp: Ho (18%), sung huyết (15%), khó thở (13 – 14%), nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (11%).

Thường gặp, ADR > 1/100

Toàn thân: Ớn lạnh và đau xương (triệu chứng “giống cảm cúm”) chủ yếu ở vào mũi tiêm tĩnh mạch đầu tiên.

Tuần hoàn: Huyết khối nơi tiêm tĩnh mạch (7%), cục máu đông trong máy thẩm tích, tiểu cầu tăng tạm thời.

Máu: Thay đổi quá nhanh về hematocrit, tăng kali huyết.

Thần kinh: Chuột rút, cơn động kinh toàn thể (1 – 3%).

Ít gặp, 1/1 000 < ADR <1/100 (giới hạn ở những ADR quan trọng hoặc đe dọa tính mạng)

Toàn thân: Phản ứng dị ứng, quá mẫn, mày đay, đau cơ.

Tuần hoàn: Thiếu máu (nặng, có hoặc không giảm tế bào máu khác), tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch phổi, giảm sinh dòng hồng cầu, huyết khối, huyết khối vi mạch, huyết khối tĩnh mạch thận, huyết khối tĩnh mạch thái dương, huyết khối động mạch võng mạc, viêm tĩnh mạch huyết khối, nhịp tim nhanh, cơn thiếu máu cục bộ nhất thời, kháng thể trung hòa.

Hiếm gặp, ADR <1/1 000

Tuần hoàn: Tăng tiểu cầu, cơn đau thắt ngực.

Vã mồ hôi.

Hướng dẫn cách xử trí ADR

Cần theo dõi hematocrit một cách thường xuyên và điều chỉnh liều theo đáp ứng nồng độ hemoglobin.

Để tránh tăng đông máu gây tắc mạch, sau khi đã tiêm thuốc vào tĩnh mạch thì tiêm thêm ngay 10 ml dung dịch muối đẳng trương và tăng liều heparin trong khi chạy thận nhân tạo để phòng huyết khối. Khi tăng huyết áp tới mức nguy hiểm mà các liệu pháp chống tăng huyết áp không có kết quả thì rạch tĩnh mạch để lấy máu ra có thể kết quả tốt.

Liều lượng và cách dùng

Tác dụng điều trị của erythropoietin phụ thuộc vào liều; tuy nhiên liều cao hơn 300 đơn vị/kg, tuần ba lần không cho kết quả tốt hơn. Liều erythropoietin tối đa an toàn chưa được xác định. Nồng độ hemoglobin của người bệnh không được vượt quá 12 g/100 ml và không được tăng quá 1 g/100 ml trong 2 tuần trong thời gian điều trị đối với bất cứ người bệnh nào. Dùng thêm sắt hoặc L-carnitin làm tăng đáp ứng với erythropoietin, do đó có thể giảm liều thuốc cần dùng để kích thích tạo hồng cầu. Đáp ứng huyết học của epoetin bị giảm nếu sắt không được cung cấp đầy đủ, vì vậy cần theo dõi tình trạng sắt và cung cấp bổ sung nếu cần thiết đối với tất cả các người bệnh.

Các epoetin (alpha, beta, delta và zeta) là những erythropoietin người tái tổ hợp để sử dụng lâm sàng có cùng tác dụng dược lý như erythropoietin nội sinh.

Thiếu máu ở người bệnh suy thận mạn tính:

Epoetin alpha, epoetin beta hoặc epoetin delta được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch hoặc dưới da; epoetin zeta chỉ có thể dùng theo đường tiêm tĩnh mạch.

Đối với người bệnh thẩm tách máu, cần phải cho liều epoetin bằng đường tiêm tĩnh mạch, vì tiêm dưới da có nguy cơ gây giảm sinh dòng hồng cầu; có thể cho thuốc trong khi hoặc vào cuối đợt thẩm tách dùng đường vào mạch của thẩm tách. Đối với người bệnh chuẩn bị thẩm tách hoặc thẩm tách qua màng bụng (ở những người này không thể đưa thuốc dễ dàng bằng đường tĩnh mạch) phải đưa thuốc và bằng đường tiêm dưới da.

Mục đích của điều trị ở người lớn là làm tăng nồng độ hemoglobin lên đến 10 – 12 g/ml hoặc làm tăng hematocrit lên đến 30 – 36%. Tính toán liều theo từng người bệnh để đạt và duy trì nồng độ hemoglobin trong giới hạn này. Cần theo dõi hemoglobin mỗi tuần 2 lần sau khi dùng liều khởi đầu cho đến khi nồng độ hemoglobin ổn định và xác lập được liều duy trì. Phải duy trì tốc độ tăng hemoglobin dần dần để giảm thiểu các tác dụng không mong muốn như tăng huyết áp, nên tăng theo tỉ lệ không quá 2 g/100 ml mỗi tháng. Điều trị bằng epoetin alpha hoặc epoetin zeta

Epoetin alpha: Có thể tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch trong tối thiểu 1 phút; có thể tiêm tĩnh mạch chậm trong 5 phút trong trường hợp người bệnh có tác dụng không muốn giống cảm cúm. Epoetin zeta: Có thể tiêm tĩnh mạch.

Liều người lớn đang thẩm tách máu hoặc chuẩn bị thẩm tách máu: Liều khởi đầu của epoetin alpha hoặc epoetin zeta mỗi lần là  50 đơn vị/kg, tuần 3 lần. Đối với epoetin alpha liều khởi đầu có thể cao hơn, mỗi lần là 50 – 100 đơn vị/kg, tuần 3 lần.

Có thể tăng liều cách quãng 4 tuần, mỗi lần 25 đơn vị/kg, tuần 3 lần cho đến khi đạt được kết quả mong muốn.

Người bệnh đang thẩm tách qua màng bụng: Có thể dùng liều khởi đầu, mỗi lần 50 đơn vị/kg, tuần 2 lần.

Đáp ứng không thỏa đáng hoặc thiếu đáp ứng: Nếu người bệnh không đạt được mức nồng độ đích của hemoglobin 10 – 12 g/100 ml sau các lần thăm dò liều thích hợp trong 12 tuần thì không tiếp tục tăng liều và dùng liều tối thiểu có hiệu quả để duy trì mức hemoglobin đủ để không phải truyền hồng cầu và đánh giá người bệnh về những nguyên nhân khác gây thiếu máu. Sau đó theo dõi chặt chẽ hemoglobin, nếu đáp ứng có cải thiện thì có thể tiếp tục điều chỉnh liều như đã khuyến cáo ở trên. Nếu đáp ứng không cải thiện thì ngừng hẳn epoetin và phải tiếp tục truyền hồng cầu trở lại. Một khi đã đạt được mức hemoglobin mong muốn, cần điều chỉnh liều để điều trị duy trì:

Tổng liều duy trì hàng tuần thường dùng của epoetin alpha hoặc epoetin zeta ở người bệnh chuẩn bị thẩm tách là 50 – 100 đơn vị/kg chia thành 3 liều nhỏ, và ở người bệnh thẩm tách máu là vào khoảng 75 – 300 đơn vị/kg, chia thành 3 liều nhỏ. Ở người bệnh chuẩn bị thẩm tách thì tổng liều hàng tuần không được vượt quá 600 đơn  vị/kg. Ở người bệnh đang thẩm tách qua màng bụng, tổng liều duy trì hàng tuần là 50 – 100 đơn vị/kg chia làm 2 liều nhỏ.

Liều trẻ em: Epoetin alpha hoặc epoetin zeta có thể dùng tiêm tĩnh mạch cho trẻ em đang thẩm tách máu. Liều khởi đầu mỗi lần  50 đơn vị/kg, tuần 3 lần. Có thể tăng liều cách quãng 4 tuần, mỗi lần tăng 25 đơn vị/kg, tuần 3 lần cho đến lúc đạt nồng độ đích hemoglobin 9,5 – 11 g/100 ml. Tổng liều duy trì hàng tuần thường dùng chia làm 3 liều nhỏ:

Người bệnh < 10 kg: 225 – 450 đơn vị/kg; người bệnh 10 – 30 kg: 180 – 450 đơn vị/kg; người bệnh > 30 kg: 90 – 300 đơn vị/kg. Epoetin beta cũng được dùng tương tự để điều trị thiếu máu do suy thận mạn tính ở người bệnh thẩm tách máu và chuẩn bị thẩm tách máu. Có thể tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch trong 2 phút với các liều sau đây cho người lớn và trẻ em:

Liều khởi đầu tiêm dưới da là 60 đơn vị/kg/tuần, tiêm trong 4 tuần; có thể chia tổng liều hàng tuần để cho thành liều hàng ngày hoặc chia làm 3 lần trong tuần. Liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch mỗi lần là 40 đơn vị/kg, tuần 3 lần, tiêm trong 4 tuần; sau đó có thể tăng liều đến 80 đơn vị/kg/lần, tuần 3 lần.

Sau đó có thể tăng liều epoetin beta cách quãng 4 tuần, đối với liều tiêm dưới da và cả tiêm tĩnh mạch, tăng từng nấc 60 đơn vị/kg mỗi tuần, chia làm nhiều liều nhỏ cho đến khi đạt được nồng độ mong muốn của hemoglobin hoặc hematocrit. Tổng liều hàng tuần của epoetin beta không được quá 720 đơn vị/kg.

Để duy trì, lúc đầu dùng ½ liều và sau đó cứ 1 hoặc 2 tuần điều chỉnh 1 lần tùy theo đáp ứng. Có thể chia liều duy trì tiêm dưới da hàng tuần thành 1, 3 hoặc 7 liều; ở người bệnh đã ở một liều tuần một lần thì có thể điều chỉnh thành cứ 2 tuần một liều độc nhất. Epoetin delta cũng được dùng để điều trị thiếu máu của suy thận mạn tính ở người bệnh thẩm tách và chuẩn bị thẩm tách.  

Liều khởi đầu tiêm dưới da 50 đơn vị/kg, 2 lần/tuần; liều khởi đầu tiêm tĩnh mạch 50 đơn vị/kg, 3 lần/tuần. Có thể điều chỉnh liều vào quãng 25 – 50%, cách ít nhất là 4 tuần, theo nhu cầu.

Thiếu máu ở người bệnh điều trị bằng zidovudin

Ở người lớn đang nhiễm HIV điều trị bằng zidovudin dùng epoetin có thể có lợi nếu nồng độ erythropoietin nội sinh trong huyết thanh ≤ 500 mili đơn vị/ml. Có thể tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch epoetin alpha với liều khởi đầu là 100 đơn vị/kg, 3 lần/tuần trong 8 tuần. Sau đó có thể tăng liều cách 4 đến 8 tuần vào quãng  50 – 100 đơn vị/kg, 3 lần/tuần tùy theo đáp ứng. Tuy nhiên, không chắc người bệnh đã có hiệu quả với liều 300 đơn vị/kg, 3 lần/tuần nếu liều này không gây được một đáp ứng thỏa mãn. 

Thiếu máu do hóa trị liệu ung thư

Ở người lớn đang dùng hóa trị liệu để điều trị bệnh ác tính không thuộc dòng tủy, có thể dùng epoetin alpha, epoetin beta hoặc epoetin zeta tiêm dưới da để chữa thiếu máu triệu chứng, thường dùng khi nồng độ hemoglobin hạ xuống ≤ 10 g/100 ml. Phải nâng mức hemoglobin lên dần dần; không được vượt quá mức 2 g/100 ml/tháng và không được lớn hơn nồng độ tối ưu của hemoglobin 12 g/100 ml.

Liều khởi đầu của epoetin alpha hoặc epoetin zeta là 150 đơn vị/kg,  3 lần/tuần hoặc 450 đơn vị/kg, tuần 1 lần. Có thể tăng liều sau 4 đến 8 tuần, nếu cần, đến 300 đơn vị/kg, 3 lần/tuần. Nếu sau 4 tuần dùng liều cao hơn mà vẫn không có đáp ứng thỏa đáng thì phải ngừng điều trị. Cũng có thể cho epoetin alpha với liều 40 000 đơn vị tuần 1 lần, sau 6 tuần có thể tăng liều lên đến 60 000 đơn vị, nếu cần.

Liều khởi đầu của epoetin beta là 30 000 đơn vị (khoảng 450 đơn vị/kg), mỗi tuần dùng liều độc nhất hoặc chia thành 3 đến 7 liều nhỏ. Sau 4 tuần có thể tăng liều lên gấp đôi nếu cần, nhưng nếu sau 4 tuần dùng liều cao hơn mà vẫn không có đáp ứng thỏa đáng thì phải ngừng điều trị. Tổng liều hàng tuần không được vượt quá 60 000 đơn vị. Khi đã đạt được nồng độ hemoglobin mong muốn, cần giảm liều khoảng 25 – 50% để điều trị duy trì, và điều chỉnh khi cần thiết.

Sau khi kết thúc dùng hóa trị liệu phải ngừng sử dụng các epoetin, nhưng ở Anh có thể tiếp tục sử dụng epoetin alpha, epoetin beta hoặc epoetin zeta trong một tháng trở lại.

Ở trẻ em, có thể dùng epoetin alpha tiêm tĩnh mạch với liều độc nhất hàng tuần 600 đơn vị/kg (tối đa 40 000 đơn vị). Nếu cần thiết có thể tăng liều cách 4 tuần đến 900 đơn vị/kg (tối đa 60 000 đơn vị). Người bệnh phẫu thuật

Có thể dùng epoetin alpha, epoetin beta hoặc epoetin zeta có bổ sung sắt để điều trị người bệnh thiếu máu (hemoglobin từ 10 đến 13 g/100 ml) chuẩn bị phẫu thuật chọn lọc (không phải tim hoặc mạch máu) nhằm giảm nhu cầu phải truyền máu đồng loại; hoặc người bệnh có nguy cơ cao mất máu nhiều cần phải được truyền máu trước, trong, và sau phẫu thuật.

Liều dùng để tăng sản lượng máu bản thân ở người lớn phụ thuộc vào lượng máu cần thu nhận và các yếu tố như thể tích máu toàn bộ và hematocrit của người bệnh. Có thể dùng epoetin alpha, epoetin beta hoặc epoetin zeta theo chế độ trị liệu sau đây:

Tiêm tĩnh mạch epoetin alpha hoặc epoetin zeta với liều 600 đơn vị/kg, 2 lần/tuần, bắt đầu dùng trước phẫu thuật 3 tuần.

Tiêm tĩnh mạch epoetin beta với liều không quá 800 đơn vị/kg, hoặc tiêm dưới da với liều không quá 600 đơn vị/kg, 2 lần/tuần trong 4 tuần trước phẫu thuật.

Để giảm nhu cầu truyền máu đồng loại ở người lớn, có thể dùng epoetin alpha tiêm dưới da với liều 600 đơn vị/kg, tuần 1 lần, bắt đầu 3 tuần trước phẫu thuật, và liều thứ tư cho vào ngày phẫu thuật. Cách khác, khi thời gian trước phẫu thuật bị ngắn, có thể tiêm dưới da với liều hàng ngày 300 đơn vị/kg trong 10 ngày trước phẫu thuật, vào ngày phẫu thuật và trong 4 ngày sau phẫu thuật. Cần bổ sung sắt đầy đủ. Kết hợp với folat, cyanocobalamin, uống hoặc tiêm sắt và tăng cường dinh dưỡng có thể làm hemoglobin hay hematocrit tăng mỗi ngày lên 5% hoặc hơn nữa.

Thiếu máu ở trẻ sơ sinh thiếu tháng

Epoetin beta cũng được dùng để dự phòng và điều trị thiếu máu của trẻ sơ sinh thiếu tháng có thể trọng thấp. Chỉ nên dùng những dạng bào chế không có chất bảo quản cho trẻ sơ sinh (những thành phẩm không chứa rượu benzyl).

Để điều trị thiếu máu của trẻ sơ sinh thiếu tháng dùng epoetin beta tiêm dưới da với liều 250 đơn vị/kg, 3 lần/tuần. Nên bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt và tiếp tục trong 6 tuần.

Với những người bệnh bị thiếu máu rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng mà không muốn hoặc không thể truyền máu được thì vẫn có thể cho dùng epoetin, mặc dù điều này chỉ có ý nghĩa nhân đạo vì không có gì đảm bảo trước là người bệnh có thể hồi phục.

Tương tác thuốc

Dùng các thuốc ức chế men chuyển đồng thời với erythropoietin có thể làm tăng nguy cơ bị tăng kali huyết, đặc biệt ở người bệnh giảm chức năng thận.

Độ ổn định và bảo quản

Phải bảo quản các lọ thuốc epoetin ở nhiệt độ từ 2 đến 8 °C. Không được để đông lạnh hoặc lắc.

Lọ đơn liều 1 ml không có chất bảo quản: Dùng một liều mỗi lọ. Không lấy thuốc lần thứ hai; vứt bỏ thuốc còn lại không dùng. Lọ đơn liều (loại trừ loại lọ chứa 40 000 đơn vị/ml) ổn định ở nhiệt độ phòng trong 2 tuần. Lọ đơn liều chứa 40 000 đơn vị/ml ổn định ở nhiệt độ phòng trong 1 tuần.

Lọ đa liều 1 ml hoặc 2 ml có chất bảo quản. Bảo quản lọ thuốc ở 2 – 8 °C sau khi lấy thuốc lần đầu và giữa các lần lấy thuốc. Vứt bỏ thuốc còn lại sau khi lấy lần đầu 21 ngày.

Lọ đa liều (có chất bảo quản) ổn định ở nhiệt độ phòng trong  1 tuần.

Bơm tiêm chứa sẵn thuốc chứa 20 000 đơn vị/ml có chất bảo quản ổn định ở nhiệt độ 2 – 8 °C trong 6 tuần.

Dung dịch thuốc pha loãng 1:10 và 1:20 (1 phần epoetin và  19 phần natri clorid) ổn định ở nhiệt độ phòng trong 18 giờ. Trước khi tiêm dưới da, có thể pha loãng các dung dịch thuốc không có chất bảo quản với nước muối kìm khuẩn 0,9% (chứa rượu benzyl) với tỉ lệ 1:1. Các dung dịch pha loãng theo tỉ lệ  1:10 trong dung dịch dextrose (D10W) có chứa 0,05% hoặc 0,1% albumin người ổn định trong 24 giờ.

Tương kỵ

Chế phẩm epoetin được đệm bằng dung dịch natri clorid/natri citrat đẳng trương có pH là 6,9 ± 0,3.

Không trộn epoetin với các thuốc khác.

Không cho thêm epoetin vào các dung dịch truyền tĩnh mạch.

Quá liều và xử trí

Giới hạn điều trị của epoetin rất rộng. Quá liều epoetin có thể gây tăng tác dụng dược lý của hormon. Có thể trích máu tĩnh mạch nếu nồng độ hemoglobin quá cao. Nếu cần, điều trị hỗ trợ thêm.

Thông tin qui chế

Erythropoietin có trong Danh mục thuốc thiết yếu tân dược ban hành lần thứ VI, năm 2013.

Tên thương mại

Beta-poetin; Epokine Prefilled; Erihem; Erihos; Eripotin inj; Genoepo; Hemapo; Hemax; Mirafo prefilled; Pronivel; Tobaject; Wepox 4000.