Tên chung quốc tế: Multienzymes (Lipase, protease etc.).
Mã ATC: A09AA02.
Loại thuốc: Đa enzym, thuốc lợi tiêu hóa.
Dạng thuốc và hàm lượng
Viên nang, viên nén: 8 000 đơn vị USP lipase, 30 000 đơn vị USP amylase, 30 000 đơn vị USP protease.
Nang giải phóng chậm (chứa dược chất dạng vi hạt), viên nén bao tan trong ruột: 4 000 đơn vị USP lipase, 12 000 đơn vị USP amylase, 70 000 đơn vị USP protease.
Bột: 0,7 g bột chứa 16 800 đơn vị USP lipase, 70 000 đơn vị USP amylase và 70 000 đơn vị USP protease.
Lưu ý: Trên thị trường, trong các chế phẩm pancrelipase, hàm lượng lipase, amylase và protease thay đổi nhiều và có thể biểu thị bằng đơn vị USP (Dược điển Mỹ), BP (Dược điển Anh) và Ph. Eur (Dược điển châu Âu). Do điều kiện thử nghiệm khác nhau, nên khó so sánh sự tương đương giữa các đơn vị này. Vì vậy, khi sử dụng nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Pancrelipase là chế phẩm đã tiêu chuẩn hóa, được làm từ tụy lợn có chứa các enzym, chủ yếu là lipase, amylase và protease. Chế phẩm cung cấp enzym có hoạt tính tại tá tràng để xúc tác thủy phân mỡ thành glycerol và acid béo, protein thành proteose (hoặc các oligopeptid) và các dẫn xuất tinh bột thành dextrin và đường. Khả năng tác dụng của enzym phụ thuộc vào lượng enzym đi tới ruột non là nơi thuốc có tác dụng. Pancrelipase bị bất hoạt bởi acid dạ dày, nên các chế phẩm chứa pancrelipase dưới dạng vi hạt có bao tan trong ruột để giảm sự phân hủy enzym tụy khi uống vào dạ dày và do đó bảo vệ và làm tăng tác dụng của enzym. Các enzym bị phân giải trong ống tiêu hóa, và đào thải theo phân. Pancrelipase dùng để điều trị thiếu hụt enzym tụy do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Pancrelipase uống cùng với bữa ăn cũng có tác dụng như khi uống trước ăn; tuy nhiên uống vào lúc ăn có thể thuận tiện hơn và có tác dụng hơn để giảm chứng mất quá nhiều nitrogen ra phân.
Chỉ định
Suy tụy, suy tụy kèm viêm tụy mạn tính, viêm tụy mạn.
Trợ giúp tiêu hóa sau cắt bỏ tụy và tắc ống tụy; sau mổ cắt tụy, sau nối dạ dày ruột, tắc ống tụy.
Điều trị bệnh xơ nang tụy (xơ hóa tụy dạng nang).
Phân sống (phân có mỡ, có rau).
Chống chỉ định
Người quá mẫn với protein lợn.
Người bị viêm tụy cấp tính.
Đợt kịch phát cấp tính của viêm tụy mạn.
Thận trọng
Liều cao hơn 6 000 đơn vị lipase/kg/bữa ăn có thể gây xơ hóa đại tràng. Điều này là do lớp bao của viên thuốc pancrelipase có chứa chất dẻo trùng hợp của acid metacrylic. Ngoài ra, xơ hóa đại tràng cũng có thể còn do dùng liều cao (trên 6 000 đơn vị lipase/kg/bữa ăn). Nếu viên nang bị tụt ra thì không được để bột bám dính vào da và tránh hít bột vì thuốc gây kích ứng phổi rất mạnh.
Không được nhai hoặc cắn nát viên nén hoặc nang thuốc. Cần nuốt cả viên thuốc, không để thuốc tan trong miệng. Nếu viên thuốc quá to, khó nuốt thì có thể mở nang ra và cho phần thuốc vào thức ăn mềm rồi nuốt (không nhai) thức ăn cùng với thuốc. Không trộn nang với thức ăn kiềm hay với thức ăn lỏng như sữa.
Nếu nhỡ quên không uống thuốc thì cần uống ngay sau bữa ăn. Không được uống 2 liều cùng một lúc.
Thời kỳ mang thai
Thuốc dùng được cho người mang thai.
Thời kỳ cho con bú
Thuốc dùng được cho người cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Các ADR của pancrelipase hiếm gặp (ADR < 1/1 000) và thường xảy ra khi uống các enzym tụy ngoại sinh liều cao.
Hít phải bột pancrelipase có thể kích ứng niêm mạc mũi và gây cơn hen; cũng đã thấy có trường hợp phổi bị quá mẫn.
Liều pancrelipase cao có thể gây buồn nôn, đau quặn dạ dày, ỉa chảy với cảm giác nôn nao khó chịu ở ruột thoáng qua.
Da: Nổi ban, ngứa.
Tăng acid uric niệu, đái ra tinh thể ở trẻ bị bệnh xơ nang tụy. Pancrelipase dạng bột hoặc viên có thể gây loét miệng, loét mép nặng. Người ta cho rằng đó là do niêm mạc bị pancrelipase tiêu hủy. Ngừng thuốc thì loét khỏi nhanh. Cần dặn người bệnh phải nuốt nhanh thuốc để tránh niêm mạc miệng bị tổn thương.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Chủ yếu là điều trị triệu chứng và hỗ trợ.
Liều lượng và cách dùng
Liều tùy theo từng người. Thuốc được uống cùng bữa ăn chính hoặc ăn nhẹ. Không được nhai viên nén hoặc nang thuốc. Hoạt độ enzym nêu ở phần này được tính theo đơn vị USP.
Liều gợi ý đối với trẻ em: Cần tính liều cho từng trường hợp, dựa vào lượng nitrogen và mỡ có trong phân. Liều ban đầu là 1 – 3 nang hoặc viên nén, uống cùng bữa ăn. Thông thường: Trẻ 7 – 12 tuổi: 4 000 – 12 000 đơn vị lipase; 1 – 6 tuổi: 4 000 – 8 000 đơn vị lipase; 6 tháng – 1 tuổi: 2 000 đơn vị lipase.
Điều trị bệnh xơ nang tụy
Trẻ còn bú: 2 000 – 4 000 đơn vị lipase/120 ml thức ăn trẻ em, hoặc uống vào một lần bú; trẻ nhỏ dưới 4 tuổi: 1 000 đơn vị lipase/kg/bữa; trẻ nhỏ trên 4 tuổi: 500 đơn vị lipase/kg/bữa. Trị liệu phải tùy theo từng trường hợp, dựa trên kết quả đáp ứng điều trị (mức độ mỡ trong phân). Để tăng cường tiêu hóa ở người bệnh có chế độ ăn tăng cường, có thể dùng liều cao hơn: 1 – 3 viên nén hoặc nang (có chứa 8 000 đơn vị lipase, 30 000 đơn vị protease và 30 000 đơn vị amylase.
Trợ giúp tiêu hóa sau khi cắt tuyến tụy hoặc tắc ống tụy
Người lớn: 1 – 2 viên nén hoặc nang (có chứa khoảng 8 000 đơn vị lipase, 30 000 đơn vị protease, 30 000 đơn vị amylase) cách nhau 2 giờ sẽ làm giảm đào thải nitrogen và mỡ trong phân. Nên chỉnh liều theo từng người bệnh.
Thiếu enzym tụy do viêm tụy mạn tính
Pancrelipase có tác dụng tốt trong điều trị người bệnh bị thiếu enzym tụy ngoại tiết do viêm tụy mạn tính. Liều thường dùng là 1 – 3 viên nén hoặc nang (chứa xấp xỉ 8 000 đơn vị lipase, 30 000 đơn vị protease, 30 000 đơn vị amylase) hay 0,7 gam bột (16 800 đơn vị lipase, 70 000 đơn vị protease, 70 000 đơn vị amylase) có tác dụng tốt làm giảm lượng nitrogen và mỡ trong phân.
Nên tính liều theo từng người. Có thể dùng thêm các thuốc kháng acid hoặc thuốc kháng thụ thể H2 histamin để làm tăng tác dụng ở những người đáp ứng lâm sàng kém vì làm giảm sự phân hủy enzym dưới tác động của acid dạ dày.
Phân có mỡ
Pancrelipase có tác dụng tốt để điều trị trường hợp phân có mỡ thứ phát do thiếu enzym tụy. Liều lượng tùy theo từng trường hợp, phụ thuộc vào kết quả điều trị và bệnh nguyên. Các chế phẩm có hàm lượng lipase cao có tác dụng tốt hơn vì rối loạn hấp thu mỡ khó điều trị hơn là rối loạn hấp thu protein và carbohydrat. Viên pancrelipase bao tan trong ruột có khi không có hiệu quả làm giảm phân có mỡ, nếu thuốc vẫn còn nguyên vẹn khi đi qua ruột non hoặc nằm lại trong dạ dày, và không đi theo thức ăn. Nhưng nói chung thì viên pancrelipase bao tan trong ruột có hiệu quả lên sự hấp thu mỡ mạnh hơn là enzym dạng bột và các dạng bổ sung enzym tiêu hóa khác.
Tương tác thuốc
Uống đồng thời ciprofloxacin với enzym tụy có thể làm mất tác dụng dược động học của ciprofloxacin ở người bị bệnh xơ nang tụy. Điều trị cimetidin đồng thời với pancrelipase làm tăng pH dạ dày, do đó ức chế sự phân hủy enzym uống dẫn đến làm tăng tác dụng của pancrelipase. Vì tất cả các thuốc ức chế thụ thể H2 histamin đều làm giảm độ acid của dịch dạ dày nên khi dùng ranitidin, famotidin, hay nizatidin, cần giảm liều pancrelipase.
Độ ổn định và bảo quản
Có sự khác biệt lớn về hiệu quả giữa các lô thuốc.
Hoạt tính của enzym, nhất là của lipase và amylase, bị giảm theo thời gian.
Bảo quản trong lọ kín, để nơi khô ráo, nhiệt độ từ 15 đến 30 °C. Không để trong tủ lạnh.
Tương kỵ
Nang thuốc được hòa trong thức ăn mềm, nhưng không được dùng thức ăn có pH > 5,5.