PHÒNG BỆNH VIÊM GAN B VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ THUỐC ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN B MẠN TÍNH30 min read

bia duoc thu quoc gia

Phòng bệnh nhiễm virus viêm gan B (HBV)

Phòng chống nhiễm virus viêm gan B là vấn đề mang tính toàn cầu. Người là ổ chứa duy nhất virus viêm gan B. Nhiễm virus viêm gan B gây tác hại quan trọng là viêm gan B mạn tính, xơ gan và ung thư tế bào gan.

Trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm virus viêm gan B, trong đó có 350 triệu người nhiễm HBV mạn tính và khoảng 25% người nhiễm HBV mạn tính tiến triển thành viêm gan mạn, xơ gan và ung thư tế bào gan. Tỷ lệ nhiễm HBV thay đổi theo từng khu vực, từng vùng và từng nước có liên quan đến các biện pháp phòng bệnh và tiêm phòng vắc xin viêm gan B.

Tình hình nhiễm HBV ở Việt Nam rất cao. Tỷ lệ người mang kháng nguyên bề mặt của HBV (HBsAg) ở người khỏe mạnh từ 11% đến 25%, tùy theo từng vùng địa lý. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì Việt Nam có khoảng 8 triệu người nhiễm HBV và ung thư gan nguyên phát là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở nam giới.

Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, tính từ 1978 đến 1990, số người mắc viêm gan trong 1 năm có khoảng 20 000 người, tỷ lệ tử vong từ 0,7 – 0,8%. Tỷ lệ HBsAg dương tính trong số người bệnh viêm gan từ 45 – 50%. Như vậy Việt Nam là nước có dịch tễ nhiễm virus viêm gan B lưu hành cao (từ 11 – 25%).

Những nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan B

Virus viêm gan B chủ yếu lây theo đường máu. Những nguy cơ lây nhiễm HBV cao, bao gồm:

Người bệnh được truyền máu nhiều lần hoặc các sản phẩm của máu có nhiễm HBV (các sản phẩm của máu như fibrinogen, thrombin, huyết tương đông lạnh, các yếu tố VIII, IX..). Thời gian nung bệnh viêm gan B sau truyền máu khoảng 50 – 150 ngày.

Lây theo đường tiêm mà dụng cụ bơm kim tiêm có HBV (ví dụ tiêm chích ma túy do dùng chung với kim tiêm…)

Lây trong gia đình. Trong gia đình có người mang HBsAg mạn tính rồi dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dùng chung bơm kim tiêm không sát trùng kỹ.

Lây theo đường tình dục. Bạn tình có HBsAg dương tính có thể làm lây truyền viêm gan B, lây theo đồng tính luyến ái hoặc tình dục khác giới (như gái mại dâm nhiễm HBV làm lây cho bạn tình). Tinh dịch của nam giới hoặc dịch tiết âm đạo của những người viêm gan B có chứa virus viêm gan B rất cao. Áp dụng giao hợp có dùng bao cao su sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền virus viêm gan B. Đối với gia đình có người nhiễm virus viêm gan B thì tất cả những người trong gia đình phải được tiêm phòng vắc xin viêm gan B sẽ giảm nguy cơ lây truyền trong gia đình.

Lây truyền HBV từ mẹ mang thai nhiễm HBV cho trẻ sơ sinh. Bà mẹ có thai mà trong máu có HBsAg dương tính, kháng nguyên e của virus (HBeAg) dương tính thì tỷ lệ truyền HBV cho thai nhi tới 85 – 90%. Bà mẹ có thai nhiễm virus viêm gan B mà trong máu có HBsAg dương tính và HBeAg âm tính thì tỷ lệ truyền HBV cho thai nhi khoảng 15 – 20%. Do đó cần có biện pháp phòng lây nhiễm HBV từ bà mẹ truyền sang cho con từ lúc sơ sinh.

Lây truyền trong bệnh viện. Lây truyền HBV trong bệnh viện là do các dụng cụ y tế để tiêm, dụng cụ để làm thủ thuật, dụng cụ chữa răng, thận nhân tạo v..v không được vô khuẩn tuyệt đối, vẫn còn HBV làm lây truyền HBV trong bệnh viện. Mặt khác, một số cán bộ y tế phục vụ trong khoa viêm gan vô tình để kim tiêm lấy máu người bệnh đâm vào tay, các nhân viên phòng xét nghiệm các bệnh phẩm của người bệnh viêm gan có thể bị lây truyền HBV.

Đồng nhiễm HBV với các loại virus khác, như là HIV, HCV thường hay gặp nhất ở những người tiêm chích ma túy hoặc gái mại dâm. Nhiễm HBV tồn tại kéo dài. Những người mang kháng nguyên bề mặt của HBV (HBsAg) kéo dài trên 6 tháng là những người nhiễm HBV mạn tính và những người nhiễm HBV từ lúc sơ sinh do bà mẹ nhiễm HBV truyền sang sẽ mang virus viêm gan B kéo dài và là nguồn lây HBV trong cộng đồng.

Các biện pháp phòng bệnh viêm gan B

Kiểm soát nguồn lây bệnh và ngăn chặn lây nhiễm virus viêm gan B (HBV)

Bơm kim tiêm chỉ sử dụng 1 lần, dùng xong phải hủy, không dùng chung 1 bơm kim tiêm cho nhiều người.

Những dụng cụ đã dùng cho người bệnh (ví dụ dụng cụ nhổ răng, dao kéo, kim châm cứu, kim xăm da người, v.v…) nếu dùng lại thì cần rửa sạch, sát trùng và đun sôi hoặc hấp ở nhiệt độ cao: Đun sôi 100 oC ít nhất trong vòng 20 phút; hoặc hấp khô ở nhiệt độ 160 oC trong 2 giờ; hoặc hấp ướt ở nhiệt độ 121 oC trong 20 phút. Tránh dùng chung những dụng cụ có thể làm tổn thương da và niêm mạc, có thể làm lây nhiễm HBV như là dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim châm cứu, kim xăm da v.v…

Khi tiếp xúc với máu, dịch tiết, các bệnh phẩm để xét nghiệm của người bệnh viêm gan, phải đeo găng tay. Sau khi thăm khám người bệnh viêm gan cần phải rửa tay bằng xà phòng và sau đó ngâm tay vào dung dịch cloramin 1%.

Tất cả nhân viên y tế phục vụ người bệnh viêm gan hoặc tiếp xúc xét nghiệm máu của người bệnh, cần phải được tiêm phòng viêm gan B.

Trong gia đình có người mang HBsAg mãn tính thì tất cả mọi người trong gia đình phải được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Tất cả những người cho máu phải được xét nghiệm trước kháng nguyên HBsAg và kháng thể anti-HBs trong máu. Nếu xét nghiệm dương tính thì không được lấy máu truyền cho người khác. Những dụng cụ đã dùng cho người bệnh viêm gan B mà không thể đun sôi hoặc không thể hấp được thì cần sát trùng bằng cách ngâm vào hóa chất để sát trùng như là: Dung dịch formalin 40%, ngâm trong 12 giờ, hoặc dung dịch natri hypoclorid 0,5 – 1%, ngâm trong 30 phút. Tạo miễn dịch thụ động bằng tiêm globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG)

HBIG được bào chế từ huyết tương người có nồng độ kháng thể anti-HBs cao, có tác dụng miễn dịch tạm thời trong vòng 4 – 5 tuần. Sau khi bị phơi nhiễm HBV thì tiêm ngay HBIG trong vòng 12 giờ đến 24 giờ mới có tác dụng. Liều lượng từ 200 – 500 IU. Dùng cho những người phơi nhiễm HBV do bơm kim tiêm có HBV, dụng cụ nhổ răng, gái mại dâm v.v…

Bà mẹ mang thai mà có HBsAg dương tính trong máu, cần phòng lây HBV từ mẹ sang cho con bằng cách tiêm HBIG cho con trong 12 – 24 giờ sau khi sinh và sau đó tiêm vắc xin viêm gan B. Liều thường dùng HBIG là 0,06 ml/kg, tiêm bắp.

Tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm phòng vắc xin viêm gan B Nhờ có vắc xin phòng viêm gan B mà tỷ lệ nhiễm HBV trong cộng đồng giảm xuống rõ rệt, đồng thời giảm tỷ lệ viêm gan B mạn tính, giảm xơ gan và ung thư gan nguyên phát.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam đã áp dụng tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin viêm gan B có hiệu lực sau khi tiêm phải tạo ra nhanh chóng kháng thể anti-HBs trong huyết thanh. Kháng thể ít nhất phải đạt trên 10 mUI/ml (> 10 UI/l) trong huyết thanh mới có hiệu lực bảo vệ. Nếu nồng độ kháng thể giảm xuống cần phải tiêm nhắc lại 1 mũi sau 2 năm đến 5 năm.

Các loại vắc xin phòng viêm gan B

Vắc xin huyết tương, vắc xin thế hệ 1: Vắc xin này được bào chế từ huyết tương người mang kháng nguyên bề mặt HBsAg mạn tính mà không có tổn thương gan. Vắc xin gồm có các kháng nguyên S, tiền S1 và tiền S2. Vắc xin có thể hỗn hợp nhiều loại phân typ HBsAg khác nhau đang lưu hành. Vắc xin có tính sinh miễn dịch cao, có tới trên 95% số người tiêm vắc xin, tạo được kháng thể anti-HBs có hiệu lực bảo vệ phòng lây nhiễm HBV.

Vắc xin tái tổ hợp, vắc xin thế hệ 2:

Loại vắc xin tái tổ hợp sản xuất từ nấm men (Saccharomyces, Cerevisiae, Pastoris), có chứa kháng nguyên tiền S và kháng nguyên S. Vắc xin này có đáp ứng sinh miễn dịch cao, kể cả đáp ứng cho những người trước đây ít có đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm, hiệu giá miễn dịch tương đối cao, có tới 95% kháng thể tiền S sau tiêm liều thứ 3.

Vắc xin tái tổ hợp sản xuất trên tế bào trứng chuột đất vàng Trung Quốc, Vắc xin Genhevac B chứa 20% protein tiền S2. Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch rất cao, 100% có anti-HBs và kháng thể tiền S2 sau mũi tiêm thứ 3.

Một số vắc xin viêm gan B lưu hành ở Việt Nam: Engerix – B (của Bỉ), HBV vắc xin (Việt Nam), recomB vax (Việt Nam), rHBvax (Việt Nam), HBvax II (Mỹ), HBvax Pro (Mỹ), Sci-B-vac (Israel), Hepa-B-vac (Trung Quốc), Tritanrix – HB (Bỉ), Hepavax-Gene (Hàn Quốc), H-B-vaxII (Mỹ).

Vắc xin tái tổ hợp thế hệ 3: Vắc xin này chứa 3 kháng nguyên là kháng nguyên S, tiền S1, tiền S2. Vắc xin này tạo miễn dịch cao. Ngoài tác dụng phòng bệnh, vắc xin này còn có thể áp dụng điều trị viêm gan B mãn tính, nhất là chủng HBV kháng thuốc sẽ sinh kháng thể anti-HBs nồng độ cao, đáp ứng kháng thể trực tiếp tiền S1, kích thích đáp ứng lympho T đặc hiệu.

Liều lượng một số vắc xin viêm gan B

Liều lượng dùng để tiêm tùy thuộc vào từng loại vắc xin được sử dụng và lứa tuổi.

Các đối tượng cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B

Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi. Ở Việt Nam, trong vòng 10 năm nay, đã tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm cao trong nghề nghiệp (ví dụ: Nhân viên y tế làm xét nghiệm và phục vụ người bệnh viêm gan B, nha sĩ, người được truyền máu nhiều lần, chạy thận nhân tạo, ghép gan v..v..)

Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả mọi người trong gia đình mà có người mang HBsAg trong máu.

Tiêm vắc xin viêm gan B cho những người tiêm chích ma túy, những người có quan hệ tình dục bừa bãi, đồng tính luyến ái…Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả tân binh, những sinh viên học ngành y.

Tiêm vắc xin viêm gan B cho tất cả những nhân viên phục vụ tại trung tâm săn sóc, những người khuyết tật về tâm thần.

Phòng lây truyền HBV từ mẹ có thai nhiễm HBV sang cho trẻ sơ sinh

Phụ nữ mang thai có HBsAg dương tính và nồng độ AND-HBV cao trong máu cần uống thuốc chống HBV là lamivudin (uống 100 mg/ngày) hoặc thuốc tenofovir (300 mg/ngày), uống 3 tháng cuối của thai kỳ.

Không uống thuốc kháng HBV vào 3 tháng đầu và 3 tháng giữa của thai kỳ để tránh tai biến thuốc có thể gây các dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Trẻ sơ sinh sinh ra trong 12 giờ đến 24 giờ đầu được tiêm ngay globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) với liều lượng 200 đơn vị quốc tế, tiêm bắp đùi ở một vị trí, đồng thời tiêm bắp vắc xin viêm gan B ở một vị trí khác (vắc xin mũi 1), đùi bên cạnh.

Sau 1 tháng (30 ngày sau tiêm vắc xin mũi 1) thì tiêm vắc xin viêm gan B lần 2 (mũi 2), đồng thời tiêm HBIG liều lượng 200 UI ở một vị trí khác.

1 tháng sau nữa tiêm bắp vắc xin viêm gan B lần 3 (mũi 3).

12 tháng sau khi sinh, tiêm nhắc lại 1 liều vắc xin viêm gan B (mũi thứ 4).

Đồng thời xét nghiệm HBsAg và anti-HBs để đánh giá kết quả.

Vị trí tiêm vắc xin

Vị trí để tiêm thích hợp nhất đối với trẻ em là tiêm bắp, mặt ngoài cơ đùi và đối với người lớn  thì tiêm vào cơ delta ở cánh tay. Không được tiêm vào cơ mông vì có nhiều mô mỡ. Khi tiêm vắc xin ứ đọng ở mô mỡ nên không thấm vào máu do đó làm giảm sinh kháng thể kháng virus viêm gan B.

Lịch tiêm chủng

Lịch tiêm vắc xin viêm gan B phổ biến là tiêm 3 mũi vào các tháng 0 – 1 – 6 tháng sẽ sinh kháng thể làm bảo vệ cơ thể kéo dài chống virus.

Có loại lịch tiêm vào tháng 0 – 1 – 2 tháng sẽ sinh miễn dịch nhanh, nhưng đáp ứng miễn dịch kém hơn loại lịch tiêm 0 – 1 – 6 tháng. Có loại lịch tiêm vào tháng 0 – 1 – 2 – 12 tháng. Để có miễn dịch bền vững lâu dài, có thể tiêm nhắc lại 1 mũi sau 2 năm hoặc sau 5 năm.

Các tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin

Nói chung, khi tiêm vắc xin viêm gan B ít có tác dụng độc hại quan trọng.

Sưng tấy nơi tiêm, đau, người khó chịu, nhức đầu, đôi khi sốt nhẹ 38 oC. Những tác dụng phụ thường xuất hiện sau khi tiêm 1 ngày và khỏi sau 1 – 2 ngày.

Tác dụng phụ nặng hơn như phát ban, nổi mề đay, phản ứng quá mẫn, sốc (tỷ lệ khoảng 1 phần trong 600 000 trường hợp), đôi khi liệt mềm ngoại biên. Tác dụng phụ nặng rất hiếm gặp. Không nên tiêm vắc xin cho trẻ đang sốt, viêm họng hoặc phát ban.

Cách bảo quản vắc xin

Bảo quản vắc xin ở nhiệt độ từ 2 – 8 oC.

Không được để vắc xin ở những nhiệt độ quá cao và không được để vắc xin đông lạnh.

Phương hướng điều trị và sử dụng hợp lý thuốc điều trị viêm gan B

Bệnh viêm gan B mạn tính

Nhiễm HBV thường gây 2 bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là viêm gan B cấp và viêm gan B mạn tính. Khoảng 90 – 95% số người bệnh viêm gan B cấp tính đều khỏi bệnh trong vòng 1 – 4 tháng, mất HBsAg, xuất hiện kháng thể anti-HBs và có miễn dịch tránh tái nhiễm mà không cần điều trị thuốc kháng HBV. Chỉ có khoảng 5 – 10% số người bệnh viêm gan B cấp chuyển thành viêm gan B mạn tính, HBsAg tồn tại kéo dài trên 6 tháng, chức năng gan alanin-aminotransferase (ALT) tồn tại kéo dài trên 6 tháng. Viêm gan B mạn tính cần phải được điều trị bằng các thuốc kháng HBV để ức chế phát triển HBV, tránh biến chứng xơ gan và ung thư tế bào gan nguyên phát.

Các xét nghiệm làm trước khi điều trị thuốc và sau khi điều trị

Trước khi điều trị cần làm các xét nghiệm trong huyết thanh như là: Chức năng gan ALT, AST, các dấu ấn của HBV bao gồm: HBsAg, anti-HBs, HBeAg, kháng thể anti-HBe, đo nồng độ ADN-HBV huyết thanh. Trường hợp cần thiết có thể sinh thiết gan để theo dõi biến đổi về mô học ở gan.

Sau điều trị thuốc, cứ 3 tháng đến 6 tháng làm lại các xét nghiệm trên để đánh giá kết quả điều trị và phát hiện tình trạng kháng thuốc.

Các thuốc kháng virus điều trị viêm gan B mạn tính hiện nay

Mục tiêu điều trị các thuốc kháng HBV

Ức chế sự phát triển HBV, ngăn ngừa sự tiến triển của viêm gan B mạn tính chuyển thành xơ gan và ung thư tế bào gan.

Làm chức năng gan, ALT trở về bình thường.

Làm giảm nồng độ ADN-HBV huyết thanh trở về âm tính (dưới ngưỡng phát hiện), ức chế lâu dài sự sao chép của HBV.

Cải thiện tổn thương mô học ở gan.

Lý tưởng nhất là làm mất kháng nguyên bề mặt của HBV (HBsAg) tương đương với mất ADN-HBV trong tế bào gan (mất CCCDNA) để tránh tái phát.

Tiêu chuẩn và chỉ định điều trị viêm gan B mạn tính bằng các thuốc kháng HBV

Viêm gan B mạn tính có HBeAg dương tính và HBeAg âm tính, khi nồng độ ADN-HBV huyết thanh ≥ 1 x 105 sao chép/ml và nồng độ ALT ≥ 2 lần so với trị số bình thường. Nếu làm được sinh thiết gan, có tổn thương về mô học ở trong gan.

Viêm gan B mạn tính bị xơ gan có bù trừ.

Phòng viêm gan tái nhiễm sau khi ghép gan do biến chứng của virus viêm gan B.

Các thuốc kháng HBV hiện nay để điều trị viêm gan B mạn tính Hiện nay có 2 nhóm thuốc chủ yếu để điều trị viêm gan B mạn tính, bao gồm:

Nhóm thứ 1 là Interferon alpha và thuốc mới là pegylated interferon alpha (peg-interferon alpha).

Nhóm thứ 2 là các thuốc tương tự nucleos(t)id, bao gồm: Lamivudin, adefovir, dipivoxil, entecavir, tenofovir và telbivudin.

Nội dung chi tiết về thuốc điều trị viêm gam B mạn tính xin xem hướng dẫn tại các chuyên luận riêng. Dưới đây xin giới thiệu tóm tắt về một số thuốc dùng để điều trị viêm gan B mạn tính. Interferon alpha

Có 2 loại interferon alpha là interferon alpha – 2a và interferon alpha – 2b. Liều dùng từ 3 triệu đơn vị đến 10 triệu đơn vị, 1 tuần tiêm 3 mũi, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm trong vòng 24 tuần hoặc 48 tuần. Interferon có tác dụng điều hòa miễn dịch, chống tăng sinh và kháng virus. Trong điều trị viêm gan mạn tính,  50 – 80% số người bệnh đáp ứng điều trị làm chuyển đảo huyết thanh HBeAg (mất HBeAg và xuất hiện kháng thể anti-HBe). Giảm nồng độ ADN-HBV huyết thanh và ALT trở về bình thường cải thiện mô học ở gan.

Peg-interferon alpha

Khi gắn interferon alpha với phân tử polyethylen glycol tạo thành thuốc mới là pegylated interferon alpha (peg-interferon alpha). Có 2 loại peg-interferon alpha để điều trị viêm gan B mạn, bao gồm:  peg-interferon alpha – 2a là gắn polyethylen glycol với Interferon alpha – 2a liều lượng dùng điều trị là 180 microgram/1 lần. Tuần tiêm 1 lần, trong thời gian 24 tuần hoặc 48 tuần. Sau khi tiêm dưới da 180 microgram, nồng độ đỉnh của thuốc trong huyết tương vào khoảng 45 – 60 giờ. Nửa đời khoảng 65 giờ. Phân bố của thuốc cao nhất là ở gan. Thải trừ qua gan, thận.

Peg-interferon alpha – 2b là gắn polyethylen glycol với interferon alpha – 2b. Sau khi tiêm 0,5 microgram/kg dưới da, nồng độ đỉnh trong huyết tương vào khoảng 45 giờ. Nửa đời khoảng 40 – 58 giờ. 30% số thuốc được thải trừ qua thận còn 70% thuốc dị hóa ở gan. Thể tích phân bố của thuốc vào thể dịch của cơ thể phụ thuộc vào trọng lượng cơ thể. Do đó khi dùng liều lượng thuốc để điều trị cần phải dựa vào cân nặng của cơ thể (kg).

Liều lượng thuốc:

Peg-interferon alpha – 2a tiêm 180 microgram/1 lần, 1 tuần tiêm  1 lần trong 24 tuần hoặc 48 tuần, tiêm dưới da.

Peg-interferon alpha – 2b tiêm 0,5 microgram/kg/1 lần, 1 tuần tiêm 1 lần hoặc 1 microgram/kg/1 lần, tiêm dưới da 24 tuần hoặc  48 tuần.

Chống chỉ định:

Mẫn cảm với interferon.

Có tiền sử hoặc đang bị bệnh tâm thần, trầm cảm.

Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

Người bệnh đang bị suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận nặng, xơ gan bị suy gan nặng, động kinh, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp do rối loạn miễn dịch suy giáp.

Bạch cầu dưới 2 000/mm3.

Tiểu cầu dưới 80 000/mm3.

Hematocrit < 30%

Tác dụng không mong muốn (ADR):

ADR > 30 % (rất thường gặp): Triệu chứng giống cúm, sốt cao, đau cơ, nhức đầu, rét run, mệt mỏi, hạ bạch cầu, hạ tiểu cầu, xuất hiện tự kháng thể.

ADR: 1 – 30% (thường gặp): Chán ăn, mất ngủ, tiêu chảy, phát ban, dị ứng, rụng tóc, hói đầu, buồn rầu, lo âu, thiếu tập trung tư tưởng, trầm cảm, thay đổi vị giác, thay đổi mùi vị, viêm kết mạc, da khô, ngứa, tăng tiết mồ hôi.

ADR < 1% (ít gặp): Hoang tưởng, có ý muốn tự sát, viêm đa rễ thần kinh, viêm thần kinh thị giác, viêm võng mạc, nghễnh ngãng, nghe kém, giảm thính lực, co giật, rối loạn nhịp tim, giảm tình dục, đái tháo đường.

Tác dụng và kết quả điều trị:

Điều trị viêm gan B mạn tính bằng peg-interferon alpha tạo nên sự đáp ứng miễn dịch mạnh thông qua tế bào T giúp đỡ đặc hiệu để diệt virus. Mặt khác, peg-interferon alpha có tác dụng kích hoạt  2’-5’ oligoadenylat synthetase (OAS) tham gia vào ức chế hoạt động của virus qua trung gian interferon.

Dùng peg-interferon alpha điều trị viêm gan B mạn tính trong 6 tháng, nhận thấy kết quả làm nồng độ ADN-HBV trong huyết thanh trở nên âm tính (dưới ngưỡng phát hiện) vào khoảng  44 – 60% số người bệnh, chuyển đảo huyết thanh HBsAg khoảng 39 – 50%. ALT trở về bình thường là 52 – 55% và cải thiện về mô học ở gan. Đặc biệt dùng peg-interferon alpha để điều trị, tỷ lệ mất HBsAg trong máu khoảng 15 – 20%. Nếu điều trị trong 6 tháng mà không làm giảm nồng độ ADN-HBV trong máu thì cần phải ngừng điều trị. Nếu điều trị peg-interferon kéo dài 12 tháng thì đáp ứng điều trị cao hơn có tới 29% số người bệnh mất HBsAg và xuất hiện kháng thể anti-HBs.

Tái phát sau khi điều trị bằng interferon hoặc peg-interferon alpha Khi điều trị bằng interferon alpha hoặc peg-interferon alpha thì không có hiện tượng virus kháng thuốc. Sự tái phát hoặc bùng phát viêm gan B mạn tính sau điều trị là do có sự tái hoạt động của virus viêm gan B, mặc dù peg-interferon alpha đã làm giảm nồng độ ADN-HBV huyết thanh dưới ngưỡng phát hiện, ALT đã trở về bình thường, nhưng một số người bệnh vẫn còn ADN-HBV ở trong tế bào gan (CCCADN) gây nên tái hoạt động HBV và làm bệnh tái phát sau điều trị. Sự tái hoạt động HBV thường xuất hiện 12 tháng sau kết thúc điều trị chiếm vào khoảng 15 – 20% số người bệnh, làm tăng nồng độ ADN-HBV, tăng ALT trong huyết thanh.

Các thuốc tương tự nucleos(t) id

Trong hơn 20 năm nay, điều trị viêm gan B mạn tính có nhiều tiến bộ, phát hiện các chất tương tự nucleos(t)id làm ức chế mạnh sao chép HBV, làm giảm nhanh nồng độ ADN-HBV huyết thanh, làm mất HBeAg. Tuy nhiên, thuốc có bất lợi là không xác định rõ được thời gian điều trị (có thể 1 năm, 2 năm hoặc 3 năm) và làm xuất hiện các chủng đột biến HBV kháng thuốc làm bệnh tái phát sau khi ngừng điều trị.