Tên chung quốc tế: Selegiline.
Mã ATC: N04BD01.
Loại thuốc: Thuốc chữa Parkinson; thuốc ức chế MAO typ B; thuốc chống trầm cảm.
Dạng thuốc và hàm lượng
Nang 5 mg; viên nén 5 mg (dạng selegilin hydroclorid); viên nén phân tán trong miệng 1,25 mg (dạng selegilin hydroclorid, chứa 1,25 mg phenylalanin/viên);
Thuốc dán 20 mg/20 cm2, 30 mg/30 cm2, 40 mg/40 cm2.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Selegilin ức chế chọn lọc tương đối và không hồi phục các mono amino oxidase typ B (MAO-B), dẫn đến giảm thoái giáng dopamin trong não. Selegilin cũng có tác dụng ức chế tái thu nhận dopamin. Tác dụng này làm tăng và kéo dài tác dụng của liệu pháp levodopa và selegilin giúp làm giảm những triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh Parkinson và kéo dài thời gian tới lúc bắt đầu điều trị với levodopa. Khi liệu pháp kết hợp với levodopa bắt đầu, selegilin giúp làm giảm liều dùng cả ngày của levodopa. Selegilin được chấp thuận trong điều trị bệnh Parkinson, để làm tăng tác dụng của dopamin còn lại trong tế bào thần kinh vùng liềm đen-thể vân thoái hóa và làm giảm thương tổn thần kinh do tác động của sản phẩm chuyển hóa oxy-hóa của dopamin. Thuốc cũng có tác dụng hướng tâm thần, mặc dù hoạt tính chống trầm cảm bị hạn chế.
Trong khi cả hai isoenzym (MAO-A và MAO-B) đều có ở ngoại vi và khử hoạt tính của monoamin nguồn gốc từ ruột, isoenzym MAO-B là dạng chủ yếu trong thể vân, chịu trách nhiệm phần lớn chuyển hóa oxy-hóa của dopamin ở đó. Ở liều từ thấp đến vừa (10 mg/ngày hoặc ít hơn), selegilin ức chế chọn lọc MAO-B, dẫn đến ức chế không hồi phục enzym. Khác với những thuốc ức chế MAO không đặc hiệu, selegilin không ức chế chuyển hóa catecholamin để có thể dẫn đến tử vong như đã nhận xét thấy khi người bệnh dùng thuốc ức chế MAO không đặc hiệu và dùng những amin giống giao cảm như tyramin có trong một số pho mát và rượu vang. Selegilin trở thành chất ức chế không chọn lọc của cả MAO-A và MAO-B ở liều cao hơn và được dùng để có tác dụng chống trầm cảm, có thể ở liều 20 – 40 mg/ngày thuốc uống hoặc liều 9 mg/24 giờ hoặc 12 mg/24 giờ dạng thuốc dán. Ở những liều này có thể có phản ứng tăng huyết áp qua trung gian tyramin từ sự phong bế MAO-A (“phản ứng pho mát”).
Selegilin được dùng để điều trị triệu chứng Parkinson, mặc dù hiệu quả không cao. Cơ chế tác dụng của selegilin là khả năng làm chậm thoái giáng dopamin trong thể vân.
Dược động học
Selegilin hấp thu nhanh ở đường tiêu hóa và đạt nồng độ đỉnh sau khi uống 30 phút. Thời gian tác dụng của thuốc uống là 24 – 72 giờ. Sinh khả dụng của thuốc vào khoảng 10% và tăng lên khi cho uống thuốc cùng thức ăn. Viên nén phân tán trong miệng hấp thu nhanh, có sinh khả dụng lớn hơn dạng viên nang và viên nén. Hấp thu của thuốc dán qua da là 25% đến 30% (toàn lượng selegilin) trong 24 giờ. Khoảng 90% nồng độ trong huyết tương gắn với protein. Selegilin nhanh chóng phân bố vào khắp cơ thể và thâm nhập qua hàng rào máu – não; không tích lũy ở da.
Thuốc chuyển hóa nhiều qua vòng tuần hoàn đầu, chủ yếu qua CYP2B6 thành các chất chuyển hóa có hoạt tính (N-desmethylselegilin, amphetamin, methamphetamin) và không hoạt tính.
Selegilin bài tiết 10% qua thận và 2% qua phân.
Nửa đời thải trừ của thuốc uống là 10 giờ, của thuốc dán qua da là 18 – 25 giờ. Nửa đời thải trừ của N-desmethylselegilin là 2 giờ, của l-amphetamin là 17,7 giờ và của l-methamphetamin là 20,5 giờ.
Chỉ định
Selegilin dạng uống và viên phân tán trong khoang miệng được dùng làm chất bổ trợ cho levodopa hoặc cho phối hợp thuốc levodopa và carbidopa trong điều trị bệnh Parkinson vô căn ở người bệnh đang điều trị với levodopa/carbidopa mà có biểu hiện giảm hiệu quả với liệu pháp này; selegilin dạng thuốc dán được dùng để điều trị rối loạn trầm cảm nặng.
Chống chỉ định
Chống chỉ định ở người mẫn cảm với selegilin hoặc với các thành phần của thuốc; ở người đang dùng meperidin và có thể ở người đang dùng các opiat khác hoặc các thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc các thuốc ức chế monoamin oxydase không chọn lọc.
Viên phân tán trong miệng có thêm các chống chỉ định: Dùng đồng thời với dextromethorphan, methadon, propoxyphen, tramadol, thuốc uống selegilin, các thuốc ức chế MAO khác.
Thuốc dán selegilin có thêm các chống chỉ định: Dùng đồng thời khi có u tủy thượng thận, với bupropion, các chất ức chế tái thu nhận kép hoặc chọn lọc serotonin, tramadol, propoxyphen, methadon, dextromethorphan, thảo dược Hypericum perforatum, mirtazapin, cyclobenzaprin, thuốc uống selegilin và các thuốc ức chế MAO khác; cocain; carbamazepin và oxcarbazepin; u tế bào ưa chrom tủy thượng thận; phẫu thuật chọn lọc cần gây mê, gây tê có chứa thuốc co mạch tác dụng giống thần kinh giao cảm; các thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm (và các hợp chất có liên quan); các amin tác dụng giống thần kinh giao cảm bao gồm amphetamin và các thành phẩm giảm cân có chứa thuốc co mạch (ví dụ: Pseudoephedrin, phenylephrin, phenylpropanolamin, ephedrin); thực phẩm có hàm lượng tyramin cao; các chất bổ trợ chứa tyrosin, phenylalanin, tryptophan, hoặc cafein.
Thận trọng
Thuốc uống:
Không nên dùng liều selegilin (viên nén, nang) vượt quá 10 mg một ngày hoặc liều viên phân tán trong miệng vượt quá 2,5 mg một ngày, vì có nguy cơ gây tác dụng không mong muốn do ức chế MAO không chọn lọc và có thể tăng nguy cơ phản ứng cơn tăng huyết áp. Khi ăn thực phẩm chứa tyramin hoặc dùng thuốc giống giao cảm đồng thời với selegilin đã có trường hợp bị tai biến nặng, tuy ít gặp, nên phải báo cho người bệnh biết về khả năng này và dặn người bệnh cần đến khám thầy thuốc nếu xảy ra dấu hiệu hoặc triệu chứng của tăng huyết áp (như nhức đầu), cứng hoặc đau gáy, đánh trống ngực hoặc triệu chứng không bình thường khác.
Vì selegilin có thể làm tăng tác dụng không mong muốn của levodopa và để có thể làm giảm nhẹ các tác dụng không mong muốn này bằng giảm liều levodopa 10 – 30%, cần hướng dẫn người bệnh giảm liều levodopa sau khi bắt đầu điều trị với selegilin. Tránh dùng selegilin uống ở người bệnh đang dùng chế phẩm có thuốc phiện, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế tái thu nhận chọn lọc serotonin, thuốc ức chế tái thu nhận kép serotonin và norepinephrin. Không được dùng selegilin đồng thời với thuốc ức chế MAO không chọn lọc.
Dùng các thuốc gây tiết dopamin để điều trị Parkinson hoặc hội chứng đau cẳng chân khi bất động, người bệnh có thể có những hành động đam mê và/hoặc mất kiềm chế ham muốn bất chợt như cờ bạc do bệnh, tăng tình dục (tăng giới tính) và/hoặc tăng ham muốn ăn uống. Chưa xác định được nguyên nhân và đã có tranh luận về các nguyên nhân như do bệnh, do các hành động/đam mê trước đây và/hoặc do thuốc điều trị. Có thể giải quyết triệu chứng này bằng cách giảm liều hoặc ngừng điều trị thuốc, nhưng chỉ có kết quả ở một số người bệnh.
Dùng thận trọng ở người bệnh suy gan hoặc suy thận.
Viên phân tán trong miệng:
Tăng nguy cơ phát triển u melamin ở người bệnh Parkinson (chỉ đối với viên phân tán trong miệng); chưa xác định được nguyên nhân do thuốc hoặc do các yếu tố khác. Cần theo dõi chặt chẽ người bệnh và định kỳ tiến hành các xét nghiệm trên da. Dùng viên phân tán trong miệng có thể gây phù niêm mạc miệng, kích ứng, đau, loét và/hoặc đau khi nuốt. Không dùng đồng thời viên phân tán trong miệng với các thành phẩm selegilin khác; chỉ có thể bắt đầu điều trị dạng phân liều khác sau khi ngừng sử dụng viên phân tán trong miệng ít nhất 14 ngày.
Một số thành phẩm selegilin có thể chứa phenylalanin nên có thể gây acid phenylpyruvic niệu.
Tránh dùng cho người bệnh đang hoặc đã điều trị gần đây (trong vòng 5 tuần) với fluoxetin; có thể gây hội chứng serotonin. Tăng nguy cơ hạ huyết áp thế đứng và chóng mặt ở người cao tuổi (từ 65 tuổi trở nên) và khi dò liều lượng đến liều 2,5 mg ở người bệnh đang dùng viên phân tán trong miệng hoặc ở người đang dùng thuốc dán; có thể cần phải điều chỉnh liều.
Thuốc dán:
Thận trọng khi dùng thuốc dán ở người bệnh có nguy cơ hạ huyết áp thế đứng hoặc ở người không dung nạp với các cơn hạ huyết áp nhất thời (bệnh mạch-não, bệnh tim-mạch, giảm lưu lượng máu, hoặc dùng đồng thời với các thuốc có thể dễ bị hạ huyết áp/nhịp tim chậm).
Ngừng sử dụng thuốc dán ít nhất 10 ngày trước khi phẫu thuật. Thuốc dán có thể chứa kim loại có tính dẫn điện (ví dụ, nhôm); cần lấy miếng dán ra trước khi chụp cộng hưởng từ.
Tránh để chỗ dán thuốc và vùng xung quanh phơi nhiễm trực tiếp với các nguồn nhiệt bên ngoài.
Các thuốc chống trầm cảm làm tăng nguy cơ có ý nghĩ và hành động tự sát ở trẻ em, trẻ vị thành niên và người trẻ tuổi (18 – 24 tuổi) mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và các rối loạn trầm cảm khác; cân nhắc xem xét nguy cơ trước khi kê đơn. Giám sát chặt chẽ người bệnh về tình trạng trầm cảm nặng lên và/hoặc các hành động có liên quan, đặc biệt trong 1 – 2 tháng đầu điều trị hoặc trong thời gian điều chỉnh liều (tăng hoặc giảm); gia đình hoặc người chăm sóc người bệnh phải được hướng dẫn để theo dõi chặt chẽ người bệnh và thông báo tình hình với người phụ trách điều trị. Các đơn sử dụng thuốc chống trầm cảm phải có hướng dẫn dùng thuốc. Dùng thuốc dán selegilin ở một số người bệnh có thể làm tăng rối loạn hưng cảm hoặc ở người bệnh rối loạn lưỡng cực có thể đẩy nhanh việc chuyển sang cơn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Tránh dùng liệu pháp một thuốc ở người bệnh bị rối loạn lưỡng cực. Cần kiểm tra xem người bệnh có bị rối loạn lưỡng cực không, khi thấy có các triệu chứng trầm cảm.
Tăng nguy cơ tăng huyết áp khi dùng thuốc dán selegilin cùng với buspiron. Dùng buspiron hoặc một thuốc chống chỉ định sau khi ngừng dùng thuốc dán selegilin cũng có thể gây hội chứng serotonin; tránh dùng những thuốc này trong thời gian ít nhất 2 tuần sau khi ngừng thuốc dán selegilin.
Dùng thuốc dán selegilin sau khi ngừng dùng thuốc ức chế tái thu nhận chọn lọc serotonin, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc ức chế MAO, meperidin, thuốc giảm đau (như tramadol, methadon, và propoxyphen), dextromethorphan, thảo dược Hypericum perforatum, mirtazapin, bupropion, hoặc buspiron có thể gây hội chứng serotonin; tránh dùng thuốc dán selegilin trong khoảng một tuần sau khi dùng các thuốc trên.
Thời kỳ mang thai
Không có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm chứng về việc dùng selegilin ở phụ nữ mang thai, nên chỉ dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai khi lợi ích thu được trội hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.
Thời kỳ cho con bú
Chưa biết rõ selegilin hydroclorid có phân bố trong sữa hay không. Vì nhiều thuốc được bài tiết qua sữa, nên phải cân nhắc và ngừng sử dụng selegilin ở phụ nữ cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
Vì selegilin làm tăng tác dụng của levodopa, nên có nguy cơ xảy ra tác dụng không mong muốn do tăng tác dụng trên hệ dopamin. Thường gặp tăng động ở 10 – 15% người bệnh. Có thể khắc phục bằng cách giảm liều levodopa. Selegilin thường được dung nạp tốt ở người bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu hoặc nhẹ. Ở người bệnh nặng hơn hoặc có suy giảm nhận thức, selegilin có thể làm tăng tác dụng không mong muốn về vận động và nhận thức do levodopa. Chất chuyển hóa của selegilin gồm amphetamin và methamphetamin, có thể gây lo âu, mất ngủ và những tác dụng không mong muốn khác. Đáng chú ý là selegilin, giống như những thuốc ức chế MAO không đặc hiệu, có thể dẫn đến trạng thái sững sờ, cứng đờ, tăng trương lực, kích động và sốt cao sau khi dùng thuốc giảm đau pethidin. Chưa hiểu rõ cơ sở của tương tác này. Ghi chú: Các tỉ lệ ghi kèm theo tác dụng không mong muốn là số liệu của thuốc dán; đối với thuốc uống (U), thuốc phân tán trong miệng (PTTM) nếu có tác dụng không mong muốn sẽ ghi thêm tỉ lệ sau ký tự viết tắt.
Rất thường gặp, ADR > 10/100
Hệ thần kinh trung ương: Nhức đầu (18%; PTTM 7%; U 4%), mất ngủ (12%; PTTM 7%), chóng mặt (U 14%; PTTM 11%).
Tiêu hóa: Buồn nôn (U 20%; PTTM 11%).
Tại chỗ: Phản ứng tại chỗ dán thuốc (24%).
Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100
Tim mạch: Hạ huyết áp (bao gồm hạ huyết áp thế đứng 3% – 10%), đánh trống ngực (U 2%), đau ngực (>= 1%; PTTM 2%), tăng huyết áp ( >=1%; PTTM 3%), phù ngoại vi (> 1%).
Hệ thần kinh trung ương: Đau (PTTM 8%; U 2%), ảo giác (U 6%; PTTM 4%), lú lẫn (U 6%, PTTM 4%), giấc mơ bất thường (U 4%), mất điều phối vận động (PTTM 3%), ngủ gà (PTTM 3%), ngủ lịm (U 2%), kích động ( >= 1%), mất trí nhớ ( >= 1%), dị cảm ( >= 1%), suy nghĩ không bình thường ( >=1%), trầm cảm (< 1%; PTTM 2%), ngứa ( >= 1%), trứng cá ( >= 1%).
Nội tiết và chuyển hóa: Giảm cân (5%; U 2%), hạ kali huyết (PTTM 2%), tác dụng phụ giới tính ( >= 1%).
Tiêu hóa: Tiêu chảy (9%; PTTM 2%; U 2%), khô miệng (8%; U 6%; PTTM 4%), viêm miệng (PTTM 5%), đau bụng (U 8%), loạn tiêu hóa (4%; PTTM 5%), rối loạn ngôn ngữ (PTTM 2%), sâu răng (PTTM 2%), táo bón ( >= 1%; PTTM 4%), đầy hơi ( >= 1%; PTTM 2%), biếng ăn ( >= 1%), viêm dạ dày-ruột ( >= 1%), loạn vị giác (>= 1%; PTTM 2%), nôn ( >= 1%; PTTM 3%).
Sinh dục – niệu: Bí tiểu tiện (U 2%), đau kinh ( >= 1%), băng huyết ( >= 1%), nhiễm khuẩn tiết niệu ( >= 1%), đi tiểu nhiều ( >= 1%). Thần kinh cơ-xương: Loạn vận động (PTTM 6%), đau lưng (PTTM 5%; U 2%), mất điều phối vận động (<1%; PTTM 3%), chuột rút (PTTM 3%; U 2%), đau cơ (>= 1%; PTTM 3%), đau cổ ( >= 1%), run (< 1%; PTTM 3%).
Tai: Ù tai ( >= 1%).
Hô hấp: Viêm mũi (PTTM 7%), viêm họng (PTTM 4%), viêm xoang (3%), ho ( >= 1%), viêm phế quản ( >= 1%), khó thở (< 1%; PTTM 3%).
Khác: Toát mồ hôi ( >= 1%).
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Vì phần lớn các thuốc ức chế MAO có tính không hồi phục, nên các triệu chứng có thể dai dẳng trong mấy tuần sau khi ngừng điều trị.
Trong khi điều trị bằng selegilin, có thể phải ngừng thuốc ở một số người bệnh khi có các tác dụng không mong muốn sau đây: Buồn nôn, ảo giác, lú lẫn, trầm cảm, mất thăng bằng, mất ngủ, hạ huyết áp thế đứng, loạn động, kích động, loạn nhịp, vận động chậm, múa giật, hoang tưởng, tăng huyết áp, đau thắt ngực mới bị hoặc nặng hơn lên và ngất.
Loạn động, thường xảy ra trong vòng 2 tuần sau khi bắt đầu dùng selegilin phối hợp với levodopa, có thể giảm bớt khi giảm liều levodopa ít nhất 10 – 30%.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Uống selegilin dạng viên nén và nang hoặc đặt trong miệng dạng viên phân tán để điều trị hội chứng Parkinson; dán tại chỗ thuốc dán selegilin để điều trị rối loạn trầm cảm nặng.
Dùng thuốc uống, thường chia làm hai lần trong ngày; để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, thường uống selegilin vào bữa ăn sáng và ăn trưa, dùng viên phân tán trong miệng mỗi ngày một lần trước bữa ăn sáng. Ở người bệnh đang dùng đồng thời levodopa/carbidopa, nên giảm liều levodopa/carbidopa 2 – 3 ngày sau khi dùng selegilin.
Liều lượng:
Điều trị hội chứng Parkinson:
Dùng selegilin hydroclorid (dạng nang, viên nén) với liều người lớn là 5 mg/lần, 2 lần/ngày. Với người bệnh đang dùng đồng thời levodopa/carbidopa, bắt đầu dùng liều selegilin hydroclorid 2,5 mg một ngày; tăng dần liều tới mức tối đa 5 mg/lần, 2 lần/ngày. Không dùng liều vượt quá 10 mg/ngày. Để tránh lú lẫn và kích động ban đầu, đặc biệt đối với người cao tuổi, nếu dùng chế phẩm thông thường, nên bắt đầu bằng liều 2,5 mg/ngày.
Dùng selegilin viên phân tán trong miệng với liều khởi đầu 1,25 mg, mỗi ngày một lần trước bữa ăn sáng trong ít nhất 6 tuần; liều duy trì có thể tăng đến 2,5 mg, mỗi ngày một lần trước bữa ăn sáng, liều tối đa là 2,5 mg/ngày.
Điều trị rối loạn trầm cảm nặng:
Dùng thuốc dán selegilin với liều khởi đầu 6 mg/24 giờ, mỗi ngày một lần; liều duy trì là 6 mg/24 giờ, mỗi ngày một lần, có thể dò liều dựa vào đáp ứng lâm sàng tăng dần mỗi lần tăng 3 mg/ngày, cách 2 tuần tăng một lần, cho đến liều 12 mg/24 giờ.
Tương tác thuốc
Tránh sử dụng đồng thời selegilin với các thuốc sau: Các chất chủ vận alpha/beta (tác dụng gián tiếp); các chất chủ vận alpha1; các chất chủ vận alpha2 (thuốc tác dụng trên mắt); các amphetamin; các opiat anilidopiperidin; atomoxetin; bezafibrat; buprenorphin; bupropion; buspiron; carbamazepin; cyclobenzaprin; dexmethylphenidat; dextromethorphan; diethylpropion; hydromorphon; linezolid; maprotilin; meperidin; methyldopa; xanh methylen; methylphenidat; mirtazapin; oxcarbazepin; oxmorphon; pizotifen; propoxyphen; các chất ức chế tái thu nhận chọn lọc serotonin (ví dụ, fluoxetin, fluvoxamin, paroxetin, sertralin); các chất ức chế tái thu nhận serotonin/norepinephrin; các chất chủ vận thụ thể 5 – HT1D; sibutramin; tapentadol; các thuốc chống trầm cảm ba vòng; tetrabenazin; tetrahydrozolin (thuốc mũi); tryptophan.
Selegilin có thể làm tăng tác dụng các thuốc sau:
Các chất chủ vận alpha/beta (tác dụng trực tiếp); các chất chủ vận alpha/beta (tác dụng gián tiếp); các chất chủ vận alpha1; các chất chủ vận alpha2 (thuốc tác dụng trên mắt); các amphetamin; các thuốc chống tăng huyết áp; atomoxetin; các thuốc chủ vận beta2; bezafibrat; bupropion; dexmethylphenidat; dextromethorphan; diethylpropion; doxapram; hydromorphon; linezolid; lithi; meperidin; methadon; methyldopa; xanh methylen; methylphenidat; mirtazapin; các tác nhân gây hạ huyết áp thế đứng; pizotifen; reserpin; các chất ức chế tái thu nhận chọn lọc serotonin; các chất chủ vận thụ thể 5-HT1D serotonin; các tác nhân điều biến serotonin; các chất ức chế tái thu nhận serotonin/norepinephrin; tetrahydrozolin; tetrahydrozolin (thuốc mũi); các chất chống trầm cảm ba vòng.
Các thuốc có thể làm tăng tác dụng của selegilin:
Altretamine; các opiate anilidopiperidin; buprenorphine; buspirone; carbamazepine; các chất ức chế COMT (catechol-O-methyl transferase); conivaptan; các thuốc tránh thai (estrogen và progestin); cyclobenzaprine; các chất ức chế MAO; maprotiline; oxcarbazepine; oxymorphone; propoxyphene; quazepam; sibutramine; tapentadol; tryptophan.
Các thuốc có thể làm giảm tác dụng của selegilin:
Các chất gây cảm ứng CYP2B6 (mạnh); cyproteron; peginterferon alpha – 2b; tocilizumab.
Tương tác ethanol/thực phẩm/thảo dược
Ethanol: Tránh dùng ethanol (dựa vào tác dụng chống trầm cảm ở hệ thần kinh trung ương và hàm lượng tiềm năng của tyramin). Thực phẩm: Dùng đồng thời với thực phẩm chứa nhiều tyramin có thể gây tăng huyết áp nặng và đột ngột (cơn tăng huyết áp kịch phát). Tránh và hạn chế dùng các thực phẩm với các chất ức chế MAO (sản phẩm và/hoặc phụ thuộc liều).
Thảo dược/chất dinh dưỡng:
Tránh dùng valerian, thảo dược Hypericum perforatum, kava kava. Tránh dùng các chất bổ trợ chứa cafein, tryptophan, hoặc phenylalanin. Dùng lượng lớn có thể làm tăng nguy cơ các tác dụng phụ nặng (ví dụ, phản ứng tăng huyết áp, hội chứng serotonin).
Độ ổn định và bảo quản
Nang, viên nén, viên phân tán trong miệng và thuốc dán selegilin được bảo quản ở 15 – 30 oC, trong bao bì kín, tránh ánh sáng, nhiệt và ẩm. Phải sử dụng ngay viên phân tán trong miệng sau khi lấy viên ra khỏi vỉ. Thuốc dán được bảo quản trong túi dán kín và phải sử dụng ngay sau khi lấy ra khỏi túi.
Quá liều và xử trí
Hiếm thấy các trường hợp ngộ độc quá liều chất ức chế MAO-B và rất hiếm trường hợp bị ngộ độc nặng hoặc gây tử vong.
Triệu chứng:
Ngộ độc nhẹ và vừa: Không có số liệu có ý nghĩa về ngộ độc quá liều các chất ức chế chọn lọc MAO – B. Về lý thuyết có thể có các nguy cơ như nhịp tim nhanh, tăng huyết áp nhẹ, lo âu, đỏ mặt và nhức đầu.
Ngộ độc nặng: Không có số liệu có ý nghĩa về ngộ độc quá liều nặng. Tuy nhiên dùng liều lớn có thể xuất hiện các triệu chứng tăng tiết adrenalin như tim đập rất nhanh và tăng huyết áp, toát mồ hôi, mê sảng, cơn động kinh, loạn nhịp, và có thể trụy tim mạch và hôn mê. Hội chứng serotonin, một biến chứng khác (theo lý thuyết từ ngộ độc chất ức chế MAO-B), có các biểu hiện tam chứng không ổn định, độc lập với nhau (sốt cao, tăng huyết áp, hạ huyết áp), dễ bị kích thích thần kinh cơ (co giật và tăng trương lực cơ) và trạng thái tâm trí thay đổi, những biểu hiện này giống như một chuỗi các triệu chứng. Có thể suy chức năng nhiều cơ quan và tử vong do một trong các biến chứng này.
Xử trí:
Điều trị hỗ trợ:
Ngộ độc nhẹ và vừa: Người bệnh bị các triệu chứng ngộ độc bởi các chất ức chế MAO phải được các thầy thuốc chuyên khoa khám xét. Các triệu chứng có thể kéo dài trong mấy tuần vì tính không phục hồi của ức chế MAO do sử dụng những thuốc này. Phải ngừng sử dụng thuốc và giải thích các tương tác thuốc cho người bệnh biết. Ngộ độc nặng: Xử trí độc tính của chất ức chế MAO chủ yếu là quan tâm cẩn thận đến thông khí, hô hấp và tuần hoàn để điều trị triệu chứng và hỗ trợ. Trường hợp bị hôn mê hoặc ngộ độc nặng, nhất là ở những người bị kích động do sốt cao, cần phải tiến hành đặt nội khí quản sớm để bảo vệ đường thông khí. Điếu quan trọng nhất là phải nhận ra và xử trí các triệu chứng sốt cao, tăng huyết áp, cơn động kinh, tổn hại dây thần kinh cảm giác và cứng đơ cơ. Giảm hấp thu thuốc:
Quá liều chất ức chế MAO-B thường không nghiêm trọng nên trước khi nhập viện không tiến hành giảm hấp thu thuốc sau khi bị phơi nhiễm ở miệng. Trường hợp ngộ độc vì thuốc dán, phải tìm và lấy ra bất cứ miếng dán nào khỏi cơ thể người bệnh. Các miếng dán thường ở dưới lớp quần áo và có thể tìm thấy ở trên lưng, ngực hoặc cánh tay trên.
Tại bệnh viện, cân nhắc việc giảm hấp thu nếu người bệnh mới uống (trong vòng 1 – 2 giờ) một lượng lớn và không thấy các triệu chứng biểu hiện ngộ độc. Thông thường không nên dùng than hoạt cho người bệnh đang có dấu hiệu biểu hiện ngộ độc vì có thể diễn biến thành hôn mê hoặc cơn động kinh và cản trở đường thông khí. Có thể dùng than hoạt nếu đã đặt ống nội khí quản để bảo vệ thông khí. Tuy nhiên, người bệnh vẫn còn có thể hít vào qua nội khí quản. Cân nhắc việc rửa toàn bộ ruột nếu được biết chắc chắn là người bệnh đã uống nhầm thành phẩm dán qua da. Không chỉ định rửa dạ dày vì hiếm có ngộ độc nghiêm trọng.
Tiến hành xử lý thông khí sớm ở người bệnh bị ngộ độc nặng (hôn mê, ức chế hô hấp, kích động nặng).
Không có thuốc giải độc.
Mê sảng: Sử dụng ngay benzodiazepin cho đến khi người bệnh không còn bị kích động.
Cơn (episode) tăng huyết áp: Nếu người bệnh bị kích động, tăng huyết áp có thể đáp ứng với tác dụng an thần của benzodiazepin. Tăng huyết áp nặng, có thể dùng chất đối vận thụ thể alpha adrenergic như phentolamin, hoặc chất đối vận hổn hợp alpha và beta như labetalol. Dùng các chất giãn mạch dò liều dễ dàng và tác dụng nhanh như nitroglycerin và nitroprussid cũng là lựa chọn đúng.
Nhịp tim nhanh: Có thể xảy ra do kết hợp kích động và giải phóng catecholamin. Cho điều trị với benzodiazepin. Nói chung nên tránh phong bế beta thuần túy ở người bệnh này, vì có thể làm tăng huyết áp nặng lên do không đối kháng được thụ thể 2 giao cảm alpha. Hội chứng serotonin: Điều trị tấn công với benzodiazepin và hạ nhiệt cho người bệnh nếu cần. Có thể cân nhắc dùng cyproheptadin (nên yêu cầu chuyên gia độc chất hướng dẫn trước khi dùng). Sốt cao: Có thể do bị kích thích tâm lý vận động, tăng hoạt tính thần kinh – cơ hoặc các cơn động kinh dai dẳng. Dùng benzodiazepin để an thần và đặt người bệnh vào môi trường tối và yên tĩnh. Có thể dùng biện pháp hạ nhiệt như quạt và phun sương mát, hoặc chườm lạnh toàn cơ thể.
Rối loạn dẫn truyền tim: Theo quy trình của ACLS (Advanced Cardiac Life Support).
Động kinh: Các cơn động kinh có thể xảy ra do giải phóng quá nhiều catecholamin. Điều trị bằng tiêm tĩnh mạch benzodiazepin, thêm propofol hoặc barbiturat nếu tái phát động kinh. Nếu động kinh kéo dài, đặt nội khí quản và ngăn không cho người bệnh di chuyển cử động. Chỉ định theo dõi điện não đồ liên tục. Cân nhắc chụp cắt lớp vi tính để loại trừ khả năng chảy máu trong nội sọ. Cơn hạ huyết áp: Hạ huyết áp thế đứng nhẹ thường gặp khi sử dụng điều trị. Hiếm trường hợp hạ huyết áp nặng, nhưng có thể xảy ra khi phát hiện muộn và nguy hiểm do trụy tim mạch. Điều trị hạ huyết áp bằng nước muối đẳng trương với tổng liều khởi đầu một lần, nếu người bệnh có thể dung nạp tải lượng dịch, tiếp theo dùng thuốc tăng huyết áp adrenergic để nâng huyết áp lên đến mức mục tiêu. Nên dùng các thuốc tác dụng trực tiếp (norepinephrin) hơn là các thuốc gián tiếp (dopamin), vì các thuốc tăng huyết áp gián tiếp dựa vào giải phóng catecholamin từ các tế bào thần kinh giao cảm. Theo dõi người bệnh: Theo dõi dấu hiệu sinh tồn và trạng thái tâm trí. Các thử nghiệm miễn dịch nhằm tìm chất độc trong nước tiểu không phát hiện được các chất ức chế MAO; có thể phát hiện được khi selegilin đã chuyển hóa thành amphetamin bằng thử nghiệm chất độc trong nước tiểu. Ở người bệnh có các triệu chứng ngộ độc, làm các xét nghiệm cơ bản, lactat, creatin phosphokinase, điện tâm đồ, chức năng thận, và bảng đông máu. Thử các enzym tim ở người bệnh bị đau ngực. Cân nhắc chụp cắt lớp vi tính ở đầu và chọc dò thắt lưng sống để loại trừ các khả năng ổ máu tụ trong sọ, chảy máu, hoặc nhiễm khuẩn ở người bệnh có trạng thái tâm trí thay đổi. Thẩm tách máu và tiêm truyền máu không có tác dụng.
Quy trình phân luồng khi khám bệnh:
Trẻ em, phải được khám và theo dõi tại bệnh viện. Người lớn: Nếu đã dùng liều cao hơn liều điều trị hoặc có các triệu chứng ngộ độc phải do thầy thuốc chuyên khoa khám. Người bệnh cố ý uống hoặc trẻ em vô ý uống selegilin phải gửi đến cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi trong 6 – 8 giờ. Người bệnh bị tăng huyết áp dai dẳng, nhịp tim nhanh hoặc ức chế thần kinh trung ương nhất thiết phải điều trị nội trú. Người bệnh bị hôn mê, động kinh, loạn nhịp, hoặc mê sảng cần phải đưa vào đơn vị cấp cứu hồi sức tích cực. Người bệnh bị ngộ độc nặng hoặc chưa được chẩn đoán rõ ràng cần được chuyển đến khám ở trung tâm ngộ độc hoặc thầy thuốc chuyên khoa độc chất để được cấp cứu kịp thời.
Tên thương mại
Cognitiv.