Tên chung quốc tế: Teicoplanin.
Mã ATC: J01XA02.
Loại thuốc: Kháng sinh glycopeptid.
Dạng thuốc và hàm lượng
Thuốc tiêm: Lọ chứa 200 mg hoặc 400 mg teicoplanin đông khô và không chứa chất bảo quản. Mỗi lọ kèm theo một ống dung môi (nước cất pha tiêm).
Dược lý và cơ chế tác dụng
Teicoplanin là một kháng sinh glycopeptid, có thể thay thế vancomycin trong điều trị hoặc/và phòng các nhiễm khuẩn Gram dương hiếu khí và kỵ khí nặng, khi các thuốc khác không còn tác dụng. Thuốc là hỗn hợp của 5 thành phần có cấu trúc tương tự nhau do Actinoplanes teicomyceticus sản sinh ra. Teicoplanin có cấu trúc hóa học, cơ chế tác dụng, phổ tác dụng và đường thải trừ (thải trừ chủ yếu qua thận) tương tự vancomycin.
Teicoplanin ức chế tổng hợp thành tế bào và chỉ có tác dụng chống vi khuẩn Gram dương; teicoplanin là một kháng sinh dự trữ nên phải được dùng hạn chế. Thuốc chỉ được dùng để chữa những bệnh nhiễm khuẩn nặng và tại bệnh viện chuyên khoa. Teicoplanin là thuốc diệt khuẩn mạnh đối với các chủng nhạy cảm, trừ cầu khuẩn đường ruột. Thuốc có tác dụng đối với tụ cầu nhạy cảm và kháng methicilin với nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) < 4 microgam/ml. MIC đối với Listeria monocytogenes, Corynebacterium spp., Clostridium spp. và cầu khuẩn kỵ khí Gram dương từ 0,25 – 2 microgam/ml. Streptococcus non- viridans và viridans, S. pneumoniae, cầu khuẩn đường ruột bị ức chế bởi teicoplanin ở khoảng nồng độ từ 0,01 – 1 microgam/ml. Chỉ dùng teicoplanin để điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn đó gây ra trong những trường hợp vi khuẩn đó đã kháng nhiều thuốc và gây bệnh toàn thân trầm trọng.
Tuy nhiên, một số Staphylococci coagulase – âm tính kém nhạy cảm với teicoplanin hơn vancomycin. Cầu khuẩn đường ruột và một số vi khuẩn khác tự thân đã kháng vancomycin (ví dụ: Lactobacillus spp. và Leuconostoc spp.) thì cũng hoàn toàn kháng với teicoplanin.
Cơ chế kháng teicoplanin của các chủng Staphylococcus chưa rõ. Quá trình kháng của Staphylococci với teicoplanin đã phát triển trong quá trình điều trị. Sự kháng chéo với vancomycin đã xảy ra với Staphylococci và Enterococci. Cầu khuẩn đường ruột (Enterococcus) kháng vancomycin (Van) theo 6 kiểu (bao gồm van A, B, C, D, E, F), trong đó van A cũng kháng cả teicoplanin, van B kháng vancomycin nhưng nhạy cảm với teicoplanin, còn van C chỉ kháng một phần vancomycin và nhạy cảm với teicoplanin.
Hiệu lực của teicoplanin chống lại S. aureus được tăng cường khi phối hợp với một aminoglycosid có tác dụng hiệp đồng (ví dụ: gentamicin 1 mg/kg, cách 8 giờ, dùng 1 lần với những người bệnh có chức năng thận bình thường).
Dược động học
Teicoplanin được hấp thu kém qua đường tiêu hóa. Sau khi tiêm tĩnh mạch 400 mg, nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1 giờ khoảng 20 – 50 microgam/ml. Teicoplanin được hấp thu tốt qua tiêm bắp với sinh khả dụng đạt 90%; tiêm bắp một liều 3 mg/kg, nồng độ đỉnh trong máu đạt được khoảng 5 – 7 microgam/ml sau 2 – 4 giờ.
Teicoplanin vào trong dịch não tủy chậm và ít, nhưng vào hoạt dịch, dịch phổi và mô mềm tương đối nhanh và hiệu quả. Thuốc vào được bạch cầu và vào khoảng 90 – 95% thuốc liên kết với protein huyết tương.
Dược động học của teicoplanin trải qua 3 pha, 2 pha phân bố và 1 pha thải trừ kéo dài.
Phần lớn thuốc được thải trừ ở dạng không đổi qua lọc cầu thận vào nước tiểu. Nửa đời cuối cùng kéo dài khoảng 30 – 190 giờ hoặc dài hơn phụ thuộc vào thời gian lấy mẫu, nửa đời có hiệu quả lâm sàng khoảng 60 giờ. Nửa đời tăng lên theo mức độ tăng của suy thận. Teicoplanin không loại được bằng thẩm tích máu.
Chỉ định
Teicoplanin phải được dùng hạn chế, như một kháng sinh dự trữ, chỉ dành cho những trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng đã bị kháng nhiều thuốc.
Teicoplanin có thể được dùng thay thế vancomycin trong điều trị và phòng nhiễm khuẩn Gram dương nặng khi các thuốc khác không thể sử dụng. Teicoplanin được chỉ định trong các trường hợp nhiễm khuẩn Gram dương trầm trọng bao gồm viêm tủy xương; viêm màng trong tim do Staphylococcus aureus nhạy cảm và kháng methicilin, nhiễm Streptococcus, cầu khuẩn đường ruột (Enterococcus); viêm màng bụng liên quan đến thẩm tách phúc mạc và nhiễm khuẩn nặng do S. aureus; trong dự phòng viêm màng trong tim và phẫu thuật chỉnh hình có nguy cơ nhiễm các vi khuẩn Gram dương; trong trường hợp nghi ngờ nhiễm khuẩn ở những người bệnh có giảm bạch cầu trung tính hoặc bị bệnh suy giảm miễn dịch.
Chống chỉ định
Quá mẫn với teicoplanin hoặc với bất cứ thành phần nào trong chế phẩm.
Thận trọng
Nên dùng thận trọng teicoplanin với người bệnh quá mẫn với vancomycin vì quá mẫn chéo có thể xảy ra. Đã gặp giảm tiểu cầu khi dùng teicoplanin, đặc biệt với liều cao hơn liều thường dùng. Nên định kỳ kiểm tra huyết học, gan, thận trong quá trình điều trị. Cần kiểm tra chức năng tai, thận khi điều trị lâu dài cho người bệnh suy thận và chỉnh liều nếu cần.
Thời kỳ mang thai
Kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị cho người mang thai còn ít. Nghiên cứu trên động vật không thấy những biểu hiện về quái thai. Tuy nhiên, do kinh nghiệm lâm sàng hạn chế, teicoplanin chỉ được dùng cho người mang thai trong những trường hợp thật cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Do tính chất độc đối với thính giác của teicoplanin, cần đánh giá chức năng nghe của trẻ sơ sinh.
Thời kỳ cho con bú
Chưa có tài liệu về nồng độ teicoplanin trong sữa mẹ. Do đó trong khi điều trị, người mẹ nên ngừng cho con bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
ADR chủ yếu đã được biết khi sử dụng teicoplanin là ban da, gặp nhiều hơn khi dùng liều cao. Phản ứng quá mẫn, sốt do thuốc và giảm bạch cầu trung tính cũng đã được ghi nhận; cũng có khi gây điếc nhưng hiếm.
Thường gặp, ADR > 1/100
Toàn thân: Sốt.
Da: Ban da, ngứa
Khác: Đau ở nơi tiêm.
Ít gặp, 1/1 000 < ADR < 1/100
Máu: Tăng bạch cầu ưa acid, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng tiểu cầu.
Tuần hoàn: Viêm tĩnh mạch huyết khối.
Hô hấp: Co thắt phế quản.
Tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, ỉa chảy.
TKTW: Đau đầu, chóng mặt.
Da: Ngứa, mày đay.
Gan: Tăng transaminase và phosphatase kiềm.
Niệu – sinh dục: Tăng creatinin huyết thanh.
Cơ quan khác: Mất khả năng nghe.
Hiếm gặp, ADR < 1/1 000
Toàn thân: Phản ứng phản vệ.
Máu: Giảm bạch cầu trung tính.
Da: Hội chứng Lyell, tróc vảy.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Ở những trường hợp vừa và nặng, cần bổ sung dịch, chất điện giải và protein.
Liều lượng và cách dùng
Cách dùng:
Teicoplanin dùng đường tiêm tĩnh mạch nhanh, cả liều trong một phút hoặc truyền tĩnh mạch chậm trong 30 phút hoặc tiêm bắp. Teicoplanin có thể uống, dùng thay thế vancomycin hoặc metronidazol trong viêm đại tràng do kháng sinh.
Cách pha: Đổ từ từ dung dịch pha vào lọ bột, xoay nhẹ lọ để bột tan hoàn toàn. Nếu có bọt phải để bọt tan. Dung dịch pha như vậy giữ được hoạt tính trong 48 giờ ở nhiệt độ phòng và 7 ngày ở 4 oC. Dung dịch này có thể tiêm thẳng hoặc pha loãng với: Dung dịch natri clorid 0,9%, dung dịch Ringer (phải bỏ nếu để ở nhiệt độ phòng trên 24 giờ); dung dịch glucose 5%, dung dịch natri clorid 0,18% và dextran 4% (phải dùng trong 24 giờ); dung dịch glucose 1,36% hoặc 3,86% để thẩm phân màng bụng (dung dịch ổn định tới 28 ngày ở 4 oC).
Liều lượng:
Người lớn:
Nhiễm khuẩn Clostridium difficile: Uống 200 mg, ngày 2 lần, trong 10 ngày.
Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch: Người lớn: Cân nặng dưới 70 kg, bắt đầu 400 mg cách 12 giờ/lần, cho 3 liều, sau đó 400 mg/lần, ngày 1 lần (các liều sau có thể tiêm bắp); cân nặng cơ thể trên 70 kg, bắt đầu 6 mg/kg cách 12 giờ/lần, cho 3 liều, sau đó 6 mg/kg, ngày 1 lần; có thể cần dùng liều cao hơn nếu nhiễm khuẩn nặng (bỏng, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp nhiễm khuẩn, cốt tủy viêm). Viêm màng trong tim do Streptococcus hoặc Enterococcus (phối hợp với kháng sinh khác): Ban đầu 10 mg/kg cách nhau 12 giờ/lần, cho 3 liều; sau đó 10 mg/kg, ngày 1 lần.
Dự phòng ngoại khoa: Tiêm tĩnh mạch 400 mg, 30 phút trước phẫu thuật. Nếu gãy xương hở: Truyền tĩnh mạch 800 mg cho tới 30 phút trước khi cố định xương và khâu xong mô mềm.
Trẻ em:
Nhiễm khuẩn Gram dương nặng bao gồm viêm màng trong tim và nhiễm khuẩn nặng do S. aureus. Tiêm tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch trong 30 phút.
Sơ sinh: Ban đầu 16 mg/kg, cho 1 liều; 24 giờ sau: 8 mg/kg, 1 lần mỗi ngày (chỉ truyền tĩnh mạch).
Trẻ 1 tháng tuổi – 18 tuổi: Ban đầu 10 mg/kg (tối đa 400 mg) cách 12 giờ/lần, cho 3 liều; sau đó 6 mg/kg (tối đa 400 mg), 1 lần mỗi ngày (sau 3 lần đầu tiên, các liều sau có thể tiêm bắp, nếu cần, tuy nhiên nên tiêm tĩnh mạch). Nhiễm khuẩn nặng (bỏng, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp nhiễm khuẩn và cốt tủy xương) ban đầu 10 mg/kg, cách nhau 12 giờ, cho 3 liều đầu, sau đó 10 mg/kg, ngày 1 lần.
Ghi chú: Không cần định lượng thường xuyên nồng độ huyết tương teicoplanin vì chưa xác định được mối liên quan giữa nồng độ huyết tương và độc tính của thuốc, nhưng định lượng có thể có ích để điều trị tối ưu một số bệnh. Nồng độ đáy phải lớn hơn 10 mg/lít (lớn hơn 20 mg/lít trong viêm màng trong tim hoặc nhiễm khuẩn sâu như xương và khớp) nhưng dưới 60 mg/lít.
Người bệnh suy thận: Liều dùng cần được điều chỉnh trong người suy thận. Tuy nhiên, việc điều chỉnh bắt đầu từ ngày thứ 4. Chế độ điều trị như bình thường trong 3 ngày đầu, sau đó điều chỉnh liều theo độ thanh thải creatinin, khuyến cáo như sau:
Clcr từ 40 – 60 ml/phút: Dùng 1/2 liều bình thường/ngày hoặc dùng liều bình thường, cách 2 ngày/lần.
Clcr < 40 ml/phút: 1/3 liều bình thường/ngày hoặc dùng liều bình thường, cách 3 ngày/lần.
Tương tác thuốc
Khi phối hợp teicoplanin với các kháng sinh nhóm aminoglycosid, không làm tăng độc với thính giác hoặc thận. Vì vậy, teicoplanin phối hợp với gentamicin được dùng thay thế vancomycin và gentamicin trong dự phòng bệnh viêm màng trong tim.
Độ ổn định và bảo quản
Cần bảo quản những lọ teicoplanin đông khô ở nhiệt độ dưới 25 oC, tránh nóng và ánh sáng. Thuốc đã pha nên dùng ngay và loại bỏ phần còn thừa.
Tương kỵ
Các dung dịch teicoplanin và aminoglycosid tương kỵ khi trộn trực tiếp, vì vậy không được trộn lẫn trước khi tiêm.
Quá liều và xử trí
Teicoplanin không loại được bằng lọc máu. Điều trị triệu chứng khi quá liều. Không thấy có các triệu chứng hay xét nghiệm bất thường nào, mặc dù nồng độ cao của teicoplanin trong huyết tương lên tới 300 mg/lít.
Thông tin qui chế
Teicoplanin có trong Danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, năm 2015.
Tên thương mại
Fyranco; Lycoplan; Tagocin; Targocid; Teconin; Teicon; Teikilin; Telanin; Tilatep; Tocopin; Tronasel.